Thách thức nâng cao chất lượng lao động


(ĐTTCO) - Thị trường lao động nước ta đang tồn tại nghịch lý: DN thiếu lao động có trình độ đáp ứng các yêu cầu trong điều kiện hội nhập, trong khi nhiều sinh viên, học sinh sau khi đào tạo ra trường phải làm trái ngành trái nghề. 
 

Thách thức nâng cao  chất lượng lao động

 

Trao đổi với ĐTTC về thực trạng này, ông TRẦN ANH TUẤN, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, cho biết:
 
Hiện nhiều trường đào tạo nghề trên toàn quốc hàng năm cho "ra lò” hàng chục ngàn công nhân kỹ thuật có tay nghề bậc 3/7. Song tỷ lệ thợ lành nghề chỉ chiếm vài phần trăm, còn lại khi DN tuyển dụng đều phải đào tạo lại, nhanh vài ba tháng, lâu có tới hàng năm.
 
NSLĐ của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. So với các nước ASEAN có mức thu nhập trung bình, NSLĐ của Việt Nam có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan. Nguyên nhân chính dẫn đến chỉ số NSLĐ của Việt Nam thấp do lao động chưa được đào tạo phù hợp với yêu cầu của DN, thể lực người lao động kém, kỹ năng yếu, kỹ thuật và công nghệ sản xuất thấp... 

Theo lẽ thường, một công nhân cơ khí khi tốt nghiệp trường dạy nghề sẽ thành thạo các công đoạn của ngành cơ khí như tiện, phay, nguội, hàn... Song trên thực tế nhiều công nhân dù được công nhận có trình độ thợ 3/7, nhưng không thực hiện nổi một mối hàn đơn giản nhất, chưa nói đến gia công những bộ phận máy móc tinh vi.

 

Mặt khác, các DN do thiếu vốn, hoặc do chỉ nhìn cái lợi trước mắt đã không đầu tư thích đáng cho sản xuất bằng các dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại, mà nhập về những thiết bị cũ nát, trong đó nhiều dây chuyền các nước khác đã thôi không sản xuất và sử dụng từ lâu. Dây chuyền công nghệ cũ không chỉ tốn nhiều nhân lực để vận hành, còn không thể sản xuất nhanh và cho ra những sản phẩm có chất lượng. Đây  chính là nguyên nhân cốt lõi dẫn tới NSLĐ thấp. 
 
PHÓNG VIÊN: - Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020), nêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá, ông đánh giá việc này như thế nào?
 
Ông TRẦN ANH TUẤN: - Tình hình kinh tế - xã hội của TP tăng trưởng ổn định, tác động trực tiếp đến thị trường lao động. Các ngành công nghiệp trọng yếu ngày càng chiếm tỷ trọng cao và có tốc độ tăng bình quân cao hơn tốc độ tăng chung, cũng cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ các ngành kinh tế tốt hơn, theo hướng chuyển dần sang các ngành có hàm lượng công nghệ và chất xám cao.
 
Và chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là 1 trong 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X. Trong đó tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết phát triển với ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập kinh tế quốc tế đang là nhu cầu cấp bách.
 
Nhu cầu nhân lực tại TPHCM giai đoạn 2018-2025 dự báo bình quân mỗi năm có khoảng 300.000 việc làm (150.000 việc làm mới). Trong đó nhu cầu nhân lực qua đào tạo bình quân chiếm 85%, nhu cầu nhân lực bình quân có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ cao nhất 28%, sơ cấp nghề 21%, cao đẳng 16%, đại học 18%, trên đại học 2%. Trong tổng nhu cầu nhân lực, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỷ trọng 21%, 9 nhóm ngành kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng 55%, các ngành nghề khác chiếm tỷ trọng 24%.
 
Với xu hướng phát triển nguồn nhân lực trên, TP đã thúc đẩy thị trường lao động phát triển nhanh và đi vào chiều sâu. Nhiều cơ hội việc làm mở ra với yêu cầu cao hơn đối với người lao động, như tiêu chí tuyển dụng cao hơn, đòi hỏi nguồn nhân lực phải có nhiều kỹ năng khác ngoài kiến thức chuyên môn (khả năng giao tiếp, sử dụng vi tính, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng báo cáo, kỹ năng tìm hiểu và xử lý thông tin). 
 
Điều này cho thấy, tăng NSLĐ đang là thách thức lớn với cả nền kinh tế. Đến nay, lao động giá rẻ không còn là lợi thế của nền kinh tế, bởi thế giới đang ở trong cuộc CMCN 4.0, lao động giản đơn có thể bị thay thế bằng robot. Vì vậy, muốn cải thiện được NSLĐ, quan trọng nhất là phải nâng cao được hàm lượng công nghệ và thông qua đào tạo để nâng cao chất lượng lao động. Trong lĩnh vực kinh tế, lao động qua đào tạo nghề góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
 
- Là một chuyên gia về dự báo thông tin thị trường lao động, ông có đề xuất gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực TPHCM?
 
- Phát triển nguồn nhân lực trước hết là đẩy mạnh chuyển dịch lao động dư thừa từ nông nghiệp, từ lao động không có nghề chuyên môn, từ lao động khu vực phi chính quy, lao động nhàn rỗi, sang các ngành công nghiệp và dịch vụ, đồng thời nâng cao chất lượng dịch chuyển lao động có tay nghề chuyên môn trung bình lên bậc cao, trình độ cao.
 
TP nên tăng cường công tác quản lý nhà nước về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động.
 
Các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện mô hình, nâng cao năng lực hoạt động phân tích và dự báo cung - cầu nhân lực; dự báo những ngành nghề, lĩnh vực trọng điểm trung hạn (5 năm), dài hạn (10 năm, 20 năm), góp phần tham mưu cho lãnh đạo về quy hoạch cơ cấu đào tạo phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP, quốc gia và hội nhập.
 
Nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức phối hợp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động; đồng thời đầu tư mở rộng các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế để tăng trưởng việc làm tại chỗ.
 
Bên cạnh đó, TP cần phát triển hoạt động hướng nghiệp, đưa các chương trình giáo dục định hướng nghề nghiệp vào các trường học; xây dựng cổng thông tin hướng nghiệp - việc làm TPHCM kết nối các tỉnh, thành, khu vực và quốc gia; hướng dẫn hỗ trợ các DN hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn và dài hạn.
 
Điều cần thiết là TP phải xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động TPHCM với các tỉnh, TP khu vực phía Nam để hỗ trợ học nghề, tìm việc làm của thanh niên, người lao động phù hợp với yêu cầu thực tế từng tỉnh, thành, khu vực và cả nước...
 
- Xin cảm ơn ông.

Đông Gia (thực hiện)

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024711029

TRUY CẬP HÔM NAY: 15732

ĐANG ONLINE: 95