Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập kinh tế thế giới


Trên một thế giới phẳng, trong khi mọi cơ hội, thách thức đều được chia đều cho các quốc gia thì nguồn nhân lực là yếu tố then chốt trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng và phát triển kinh tế giữa các quốc gia. Bởi chỉ những quốc gia sở hữu nguồn nhân lực tốt, có khả năng và trình độ tốt thì mới có thể khai thác được các nguồn lực khác, phát huy thế mạnh quốc gia, ổn định chính trị - quốc phòng, phát triển kinh tế.

 

Trong thập kỉ này, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những đột phá về công nghệ, internet, kĩ thuật số, thực tế ảo,… ngày càng có những ảnh hưởng sâu rộng đến các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội thì nhu cầu về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao càng trở nên bức thiết.

Ngay từ khi cuộc cách mạng này hình thành, thế giới đã có những thay đổi bởi sức ảnh hưởng to lớn của nó trong lao động, sản xuất cũng như trong đời sống xã hội. Cuộc cách mạng được cho rằng hầu hết những lao động chân tay trong các nhà máy, xí nghiệp, dây chuyển sản xuất, thậm chí, những lao động cần kĩ năng cao nhưng chỉ lặp đi lặp lại cũng sẽ được thay thế bằng máy móc. Các ngành sản xuất, dịch vụ chỉ giữ lại những lao động mà máy móc khó có thể thay thế. Chính vì vậy, nhu cầu cần phải có những nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển bền vững đã tạo ra những cải cách, thay đổi trong các chính sách giáo dục, thu hút và đào tạo nhân tài của nhiều quốc gia. Trong khi Mĩ hoặc Singapore coi trọng môi trường sáng tạo và khuyến khích phát triển, bồi dưỡng và thu hút nhân tài đến từ các quốc gia khác thì Nhật Bản, Trung Quốc lại đặc biệt chú trọng phát triển nguồn lực nội sinh của quốc gia. Mỗi quốc gia đều có những chính sách khác nhau, nhưng tựu chung lại đều có một mục đích là tạo ra một nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển bền vững và một thế hệ công dân toàn cầu có thể học tập, lao động, làm việc ở bất kì quốc gia nào trên thế giới.

Để hoà nhập vào bối cảnh chung của thế giới và phát triển kinh tế – xã hội, trong Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 được công bố năm 2014, Việt Nam đã xác định rất rõ định hướng phát triển công nghiệp trên toàn quốc. Trong phần giải pháp thực hiện thì giải pháp phát triển nguồn nhân lực được đưa ra như là một trong những giải pháp mang tính đột phá. Bao gồm: 1. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp ưu tiên theo từng giai đoạn cụ thể; 2. Xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng đào tạo ở tất cả các cấp, trước mắt là tiêu chuẩn kỹ năng nghề theo chuẩn quốc tế; 3. Đổi mới chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề; Đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp thông qua các chương trình hợp tác đào tạo, tham vấn nội dung chương trình đào tạo, tăng cường thời lượng thực hành; 4. Hoàn thiện thị trường lao động, dịch vụ giới thiệu việc làm. Để thực hiện được giải pháp trên thì công tác xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng xu thế phát triển và hội nhập kinh tế thế giới là một đòi hỏi cấp thiết. Trong đó, hoạt động nghiên cứu, phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của nước ta.

Công tác nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực đã được triển khai ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam ngay từ những năm 80 của thế k XIX với 02 đề tài nghiên cứu cấp Bộ: Dự báo nhu cầu cán bộ chuyên môn, năm 1987, do TS. Đỗ Văn Chấn làm chủ nhiệm và Dự báo nhu cầu đào tạo công nhân kỹ thuật đến năm 2000, năm 1986, do GS.TS Nguyễn Minh Đường làm chủ nhiệm. Tuy nhiên, sau đó một thời gian dài, trong bối cảnh nên kinh tế bao cấp và kế hoạch hoá, các nghiên cứu dự báo vè nhu cầu đào tạo nhân lực chưa được quan tâm đúng mức nên đã không có công trình nghiên cứu nào được thực hiện. Khi Việt Nam chuyển sang nền kinh tế thị trường, nhân lực phải dáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu đào tạo bị chi phối mạnh mẽ bởi thị trường lao động, nghiên cứu dự báo nhân lực và nhu cầu đào tạo  nhân lực mới được đặt ra cấp bách với minh chứng là việc xây dựng các trung tâm dự báo về lao động hoặc nhân lực ở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đại học lớn trên cả nước. Tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các nghiên cứu về phân tích và dự báo nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực được đẩy mạnh khi Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực được thành lập. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Trung tâm đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu về nhu cầu đào tạo nhân lực, bao gồm:

08 đề tài nghiên cứu về thống kê và phân tích chính sách nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực: 1. Nghiên cứu chính sách đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội ở một số trường đại học (ThS. Nguyễn Văn Chiến, 2009); 2. Nghiên cứu phương pháp phân tích cầu nhân lực một số nước trên thế giới (ThS. Phạm Văn Nam, 2011); 3. Tổ chức cơ sở dữ liệu và tính toán một số chỉ số cốt lõi của giáo dục và nhân lực Việt Nam (ThS. Ngô Thị Thanh Tùng, 2010); 4. Kinh nghiệm quốc tế về chính sách đào tạo và sử dụng đội ngũ giáo viên phổ thông và đề xuất cho Việt Nam (ThS Nguyễn Văn Chiến, 2012); 5. Sự tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực của người sử dụng lao động: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam (ThS Phạm Văn Nam chủ nhiệm, 2012); 6. Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực ở một số quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi (ThS. Nguyễn Thị Thu Mai, 2013); 7. “Nghiên cứu và cung cấp thông tin về xu thế và dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực bậc cao của Việt Nam và các nền kinh tế trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” (2015); 8. “Nghiên cứu nhu cầu đào tạo nhân lực cho khu vực nông thôn trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới” (TS. Trần Thị Thái Hà chủ trì, 2016-2017);

06 nghiên cứu về dự báo nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực: 1. Nghiên cứu mô hình dự báo nhu cầu đào tạo trung cấp chuyên nghiệp (Th.S Trần Thị Phương Nam chủ nhiệm, 2008-2010); 2. Nghiên cứu kinh nghiệm gắn kết giáo dục đại học với nhu cầu nhân lực của một số nước trên thế giới (ThS. Đinh Thị Bích Loan chủ nhiệm, 2008); 3. “Xây dựng bộ chỉ số phát triển nguồn nhân lực và sáng tạo” (TS. Trần Thị Thái Hà, trưởng nhóm nghiên cứu,  2010); 4. Nghiên cứu một số mô hình dự báo cung - cầu nhân lực được đào tạo trên thế giới (ThS Mai Thị Thu chủ nhiệm, 2011); 5.Nghiên cứu xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ đại học của thị trường lao động Việt Nam trong bối cảnh hướng tới nền kinh tế tri thức (ThS Đinh Thị Bích Loan chủ nhiệm, 2011); 6. Nghiên cứu Phương pháp dự báo nhu cầu thay thế trong dự báo nhu cầu giáo viên (ThS. Mai Thị Thu chủ nhiệm, 2014).

Hiện tại, Trung tâm đang thực hiện một đề tài cấp nhà nước (2017-2019) do PGS. TS. Trần Thị Thái Hà chủ nhiệm, vềNghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025. Đây là một trong những nghiên cứu quan trọng, mở đầu cho hướng gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng nhân lực, vừa nâng cao hiệu quả đào tạo, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo. 

Ngoài ra, các cán bộ của Viện và Trung tâm đã nghiên cứu, viết gần 20 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí về lĩnh vực này.

Về cơ bản, các công trình nghiên cứu và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực của Viện trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu quan trọng như: Xây dựng nền móng về cơ sở lí luận dự báo nhu cầu nhân lực được đào tạo; Cung cấp bức tranh khái quát về các mô hình dự báo nhân lực theo kinh nghiệm quốc tế; Giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu do thực tiễn đặt ra, góp phần quan trọng vào việc hoạch định chiến lược và lập kế hoạch phát triển đào tạo nhân lực. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế - xã hội sau hội nhập và sự xuất hiện với những ảnh hưởng to lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những nghiên cứu về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực vẫn chưa thực sự đáp ứng được những thay đổi chóng mặt đó. Chính điều này đã tạo thêm những cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với lĩnh vực nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực.

Việc tiếp tục nghiên cứu để xây dựng một bức tranh toàn cảnh về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong tương lai, khi mà nước ta đã gia nhập vào một thế giới phẳng với sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các quốc gia là một cơ hội để lĩnh vực nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có một sân chơi lớn hơn, rộng hơn. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với những dự báo máy móc sẽ thay thế hàng loạt lao động chân tay giản đơn cùng với thực tế là lao động Việt Nam nhiều nhưng đa số lại nằm trong những ngành nghề, lĩnh vực dễ bị thay thế bởi máy móc. Hơn nữa, sự già hóa dân số đang diễn ra ngày càng nhanh cũng khiến nguồn nhân lực bị hạn chế. Chính vì vậy, vấn đề cấp bách và giải pháp then chốt cho Việt Nam trong tương lai chính là làm thế nào để có nguồn nhân lực đủ về lượng, tinh về chất để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Nghiên cứu, phân tích, dự báo về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chính là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

 

 

Trung tâm Thông tin và Dự báo

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024716637

TRUY CẬP HÔM NAY: 1130

ĐANG ONLINE: 91