Gia tăng lực lượng lao động qua đào tạo, phát triển nguồn lực chất lượng cao


Thị trường lao động Tp.HCM trong năm 2018 ghi nhận sự duy trì đà tăng trưởng, có sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực, nguồn nhân lực chuyển dần sang sử dụng lao động có kỹ năng và trình độ cao. Dự báo trong năm 2019 sẽ tiếp tục phát triển tích cực theo hướng chất lượng cao.

 

 

 

 

Niên giám thống kê của Tp.HCM năm 2017 cho biết, ước tính dân số trung bình của Thành phố năm 2018 là 8.827.931 người, trong đó nữ chiếm 52,14%. Lực lượng lao động có 4.598.135 người, chiếm 52,09% tổng dân số; lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp là 3.317.058 người; trong đó lao động nữ chiếm 47,79%. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2018, dự kiến là 3,8%; ước tính năng suất lao động năm 2018 tăng 5,47% so với năm 2017.

 

Nhân lực dịch chuyển sang lao động tay nghề cao

 

Qua khảo sát và tổng kết của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI), cho thấy, hiện tại lao động đang làm việc trong khu vực nhà nước chiếm 4,31%, khu vực ngoài nhà nước chiếm 74,26% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 21,42%. Lao động làm việc trong khu vực nông – lâm – ngư nghiệp chiếm 0,45%, khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 45,53%, khu vực dịch vụ chiếm 54,03%.

 

Nếu so sánh với 2 năm trở lại đây, - 2016 và 2017 – dễ nhận thấy có sự giảm dần đều con số lao động trong các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước (DNNN) đồng thời tăng dần đều đối với các cơ sở kinh doanh tư nhân và doanh nghiệp FDI. Lấy ví dụ: Số lao động thuộc DNNN trong các năm như sau (đơn vị tính: Người): 2016 là 172.585, năm 2017 là 159.739, và 2018 là 143.055. Tương tự tăng dần đều đối với DN tư nhân: 2.115.695, 2.286.123, và 2.463.375; và DN FDI như sau: 667.455, 687.059, và 710.628. Điều này có thể nhận ra là, ngoài việc rời bỏ cở quan, cơ sở nhà nước vì vấn đề thu nhập còn là sự năng động, trẻ trung và liên tục đổi mới của các cơ sở, đơn vị ngoài công lập. Nhiều người lao động không thực sự nổi trội khi làm việc trong các cơ quan hay DNNN nhưng khi chuyển sang môi trường làm việc mới, họ dễ dàng phát huy năng lực và đóng góp nhiều hơn cho công việc, tương xứng với mức thu nhập mà mình nhận được.

 

Trong số 110.172 lượt người có nhu cầu tìm việc trong năm 2018 mà FALMI thống kê được, có đến 94,78% lao động qua đào tạo; trong đó, đại học trở lên chiếm 66,57%, cao đẳng chiếm 15,82% và trung cấp  chỉ chiếm 6,72%. Các tỷ lệ này tập trung chủ yếu ở các ngành: tài chính – – ngân hàng, kế kiểm toán, CNTT, QTKD, quản lý điều hành, marketing – quan hệ công chúng, hành chính văn phòng, nhân sự,… Nhu cầu tìm việc ở lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn: 5,22%, hoặc sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật: 5,67% và chủ yếu tập trung ở các nghề dịch vụ phục vụ, dệt may – giày da, nhân viên kinh doanh – bán hàng, công nhân cơ khí, lái xe…

 

Ghi nhận trong năm 2018, toàn Thành phố có khoảng 241.532 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến hết ngày 31/10/2018, đã có 44.997 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với quy mô lao động 198.961 người, tăng 28,14% về số giấy phép so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp đã góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho thị trường lao động Tp.HCM.

 

Chú trọng chất lượng cao, nhưng vẫn lệch pha cung-cầu

 

Đề án Xây dựng Tp.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố.

 

Thành phố đã triển khai các chính sách giúp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành phố phát triển theo xu hướng công nghệ cao, tích cực áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất kinh doanh, hệ thống tổ chức và quản lý, vận hành doanh nghiệp. Sự gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu và đầu tư, dịch vụ logistics đang có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Đặc biệt, vài năm gần đây với sự phát triển như vũ bão của thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam nói chung và Tp.HCM nói riêng đang bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ. Nhu cầu nhân lực vì vậy tăng cao tăng cao do các doanh nghiệp có hoạt động TMĐT ngày càng nhiều, các công nghệ ứng dụng trong TMĐT luôn thay đổi với tốc độ nhanh tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

 

Các chuyên gia dự báo, Đề án đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội để thành phố đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực công nghệ cao. Nhu cầu nhân lực ngành CNTT tiếp tục tăng mạnh trong năm 2019 với các vị trí an ninh mạng, lập trình, phát triển ứng dụng, thiết kế và điều hành website,…

 

Theo chuyên gia về thị trường lao động Trần Anh Tuấn thì, thị trường lao động thành phố năm 2019, có những chuyển biến tích cực mạnh mẽ về nhân lực, đặc biệt là tăng mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, thị trường lao động sẽ phát triển các ngành tích hợp công nghệ cao phù hợp với công nghệ 4.0, cụ thể là các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ kỹ thuật về công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin, TMĐT, marketing điện tử, kiến trúc - xây dựng, du lịch, dịch vụ y tế và nông nghiệp công nghệ cao.

 

FALMI đã đưa ra con số dự báo về thị trường lao động năm 2019, theo đó dự kiến năm 2019, trên địa bàn Tp.HCM có nhu cầu 320.000 chỗ làm việc, gồm 130.000 chỗ làm việc mới. Dự báo này cũng cho hay, nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm 79,17%, nhu cầu nhân lực có trình độ sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 22,77%, trung cấp chiếm tỷ lệ 19,93%, cao đẳng chiếm 15,80%, đại học trở lên chiếm 20,67%. Dự báo này cho thấy, lao động giản đơn và lao động phổ thông đang có xu hướng giảm rất sâu và đến một lúc nào đó, ngay cả lực lượng lao động phổ thông cũng phải qua đào tạo. Thực tế hiện nay, tình trạng lệch pha cung – cầu vẫn diễn ra dù không gay gắt như các năm trước đây. Những quan sát lạc quan nhất đồng ý rằng, không thể “triệt tiêu” tình trạng lệch pha này mà cần phải xem đó là một thực tế, bởi đã gọi là “thị trường lao động” thì phải tuân theo quy luật thị trường: Có cung có cầu, cung ít cầu nhiều, cầu ít cung nhiều, thừa mà thiếu, thất nghiệp vẫn không tìm được việc làm, cần người lại không tuyển được người

 

Tuy nhiên, để có thể đạt được những kết quả theo dự báo này, Tp.HCM cần phải tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích phát triển đặc biệt các DNNVV, siêu nhỏ, bởi đây chính là  khu vực tạo việc làm lớn nhất của Tp.HCM cũng là khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất trước những thay đổi về môi trường và các chính sách. Song song, cần khuyến khích đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, khoa học tiên tiến trong tất cả các ngành kinh tế, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho các mô hình khởi nghiệp đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, xây dựng các kỹ năng cho người học đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển kinh tế xã hội.

 

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875442

TRUY CẬP HÔM NAY: 474

ĐANG ONLINE: 13