THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 01 DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 02, THÀNG 03 NĂM 2019 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


 SỞ LAO ĐỘNG

THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU

NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

 

Số: 18/BC-TTDBNL

 

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 2019

BÁO CÁO

THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 01

DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC THÁNG 02, THÁNG 03 NĂM 2019

TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

 

        I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG THÁNG 01 NĂM 2019

      

        Tháng 1/2019, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố Hồ Chí Minh thực hiện khảo sát 1.905 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng 13.973 chỗ làm việc, 2.259 người có nhu cầu tìm việc. Tổng hợp, phân tích như sau:

 

        1. Nhu cầu nhân lực

 

        Năm 2018, thị trường bán lẻ phát triển nhanh, theo hướng hiện đại, đa dạng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Kỷ Hợi, nhiều doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm trên các lĩnh vực truyền thống và hiện đại, điều này kích thích nhu cầu tuyển dụng lao động của thành phố.

 

        Nhu cầu nhân lực tháng 01/2019 tập trung ở các nhóm ngành sau: Nhân viên kinh doanh – Bán hàng (15,84%), Dịch vụ phục vụ (5,18%), Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn (4,02%), Hành chính văn phòng (3,55%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (3,14%), Công nghệ thông tin (3,06%), Kế toán - Kiểm toán (2,78%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (2,48%).

 

Biểu 1: 08 nhóm ngành có nhu cầu nhân lực cao trong tháng 1/2019

 

        - Nhu cầu nhân lực theo cơ cấu trình độ nghề:  

 

        Nhu cầu nhân lực với tập trung chủ yếu ở lao động chưa qua đào tạo chiếm 28,42%, Sơ cấp nghề chiếm 11,67% tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành: bảo vệ, vệ sinh công nghiệp – giúp việc nhà, nhân viên phục vụ các ngành hàng ăn uống, nhân viên giao hàng, bán hàng, đóng gói sản phẩm, quà tết, nhân viên trang trí cảnh quan.

 

        Trình độ Đại học trở lên chiếm 17,38% tập trung ở các nhóm ngành: Kế toán – Kiểm toán, Kinh doanh – Bán hàng, Công nghệ thông tin, Marketing – Quan hệ công chúng, Kiến trúc – Xây dựng,…

 

        Trình độ Cao đẳng chiếm 14,25% tập trung ở các nhóm ngành Hành chính văn phòng, Cơ khí – Tự động hóa, Dịch vụ thông tin – Chăm sóc khách hàng,…  

 

        Trình độ Trung cấp chiếm 28,28%: tập trung nhiều ở các nhóm ngành Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng,…

 

Biểu 2: Chỉ số nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu trình độ tháng 01/2019

 

        - Nhu cầu nhân lực theo kinh nghiệm làm việc:     

      

        Nhu cầu tuyển dụng lao động có 01 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 33,26% tập trung ở các ngành như: Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Công nghệ thông tin, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Dịch vụ du lịch – Nhà  hàng – Khách sạn,…

 

         Từ 02 đến 05 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 4,06% và chiếm 0,31% nhu cầu nhân lực trên 05 năm kinh nghiệm làm việc tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành: Cơ khí – tự động hóa, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Nhân viên kinh doanh – Bán hàng, Kế toán – Kiểm toán,…

 

        Nhu cầu tuyển dụng lao động không yêu cầu kinh nghiệm làm việc chiếm 62,37% (tăng 22,82% so với tháng trước) chủ yếu ở các ngành nghề như: Dịch vụ - Phục vụ, Kinh doanh – Bán hàng, Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Kinh doanh tài sản – Bất động sản,…

 

        2. Nhu cầu tìm việc làm

 

        Tháng 01/2019, nhu cầu tìm việc tập trung ở các nhóm ngành như: Nhân viên kinh doanh - Bán hàng (12,62%), Kế toán – Kiểm toán (10,49%), Hành chính văn phòng (9,69%), Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu (8,50%), Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (5,05%), Nhân sự (4,25%), Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng (4,12%) và Y dược – Chăm sóc sức khỏe (3,98%).

 

Biểu 3: 08 nhóm ngành có nhu cầu tìm việc cao trong tháng 1/2019

 

        Về trình độ lao động: Nhu cầu việc làm có trình độ Đại học trở lên chiếm 59,10%, Cao đẳng chiếm 16,07%, Trung cấp chiếm 9,96%, Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 5,84% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 9,03%.

 

Biểu 4: Nhu cầu tìm việc theo trình độ CMKT trong tháng 1/2019

 

        Về kinh nghiệm làm việc: Nhu cầu tìm việc của người lao động có 01 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 27,36%, từ 2 đến 5 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 35,99%, trên 5 năm kinh nghiệm làm việc chiếm 23,11% và chưa có kinh nghiệm làm việc chiếm 13,55% (giảm 60% so với tháng trước). Cho thấy trình độ người lao động qua đào tạo và có kinh nghiệm ngày càng tăng.

 

        II. NHU CẦU NHÂN LỰC TRƯỚC VÀ SAU TẾT NGUYÊN ĐÁN

 

        1. Thị trường lao động trước Tết Nguyên đán 2019

 

       Thị trường lao động trước Tết Nguyên đán cần khoảng 25.000 chỗ làm việc ổn định và 30.000 lao động thời vụ tập trung ở các nhóm ngành nghề: Tiếp thị bán hàng, chăm sóc khách hàng, thương mại điện tử, thiết kế đồ họa, truyền thông đa phương tiện, mỹ thuật ứng dụng, xây dựng sửa chữa nhà, dịch vụ phục vụ ăn uống, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, đóng gói hàng hóa, thực phẩm, gói quà Tết, hướng dẫn viên du lịch, nhân viên giao nhận – vận chuyển hàng hóa, nhân viên nhà hàng - khách sạn, quảng cáo, tổ chức sự kiện, dịch vụ sửa chữa điện nước, vệ sinh công nghiệp, vệ sinh chăm sóc cây kiểng, bán hàng thực phẩm thức ăn nhanh, nhân viên bảo vệ, giữ xe, giúp việc nhà, chăm sóc người già, người bệnh (làm việc theo giờ).

 

       2. Thị trường lao động sau Tết Nguyên đán

 

      Với những chính sách chăm lo Tết của các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp về lương, thưởng, phúc lợi và tổ chức cho công nhân lao động về quê dịp Tết đã góp phần tích cực ổn định thị trường lao động, cùng với nhu cầu ổn định công việc của người lao động nên sự thiếu hụt lao động sau Tết Nguyên đán 2019 dự kiến mức bình quân khoảng 2 - 3%, đối với những ngành sử dụng nhiều lao động như: dệt may, giày da, chế biến mức thiếu hụt lao động sau Tết khoảng 4% - 5%.

 

      Bên cạnh đó, doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng nhân lực thường xuyên và có nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhân lực, vì vậy không có biến động về lao động chất lượng cao, biến động chủ yếu lao động phổ thông, đặc biệt ở các ngành dệt may, giày da, chế biến thủy hải sản là những ngành thường xuyên biến động, thiếu hụt lao động sau Tết.

 

      Dự kiến thị trường lao động tháng 3/2019 cần khoảng 30.000 chỗ làm việc, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng trong các ngành Công nghệ thông tin, Điện – Điện tử, Chế biến thực phẩm, Xây dựng, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Kinh doanh – Bán hàng, Marketing, Chăm sóc khách hàng, Du lịch, Khách sạn,… Nhu cầu lao động có trình độ đại học, cao đẳng chiếm tỷ lệ 30%, trung cấp và công nhân kỹ thuật lành nghề 30%, sơ cấp nghề 15%, lao động chưa qua đào tạo 25%.

 

      Nét nổi bật của thị trường lao động sau Tết là các doanh nghiệp sẽ tập trung tuyển một số lượng lớn lao động để phát triển nhu cầu sản xuất, kinh doanh vào năm 2019, do đó việc thiếu hụt lao động bao gồm nhu cầu tuyển mới lao động là cơ hội cho người lao động nhất là sinh viên, học viên tốt nghiệp tìm được việc làm và người lao động có nhu cầu chuyển dịch tìm việc làm phù hợp. Tỷ lệ dịch chuyển lao động ở mức khoảng 10% tập trung trong các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh, thương mại, dịch vụ, phục vụ và lao động phổ thông trong các doanh nghiệp dệt may, da giày, nhà hàng, khách sạn, bảo vệ chuyên nghiệp, vệ sinh công nghiệp,…

 

Nơi nhận:                
- Đ/c Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở;
- Phòng Việc làm - An toàn Lao động;
- Phòng Giáo dục Nghề nghiệp;
- Phòng Lao động - Tiền lương - Bảo hiểm Xã hội;
- Văn phòng Sở;
- Phòng Văn hóa - Xã hội - UBND TP.HCM;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu./.

GIÁM ĐỐC






Trần Thị Anh Đào

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024876518

TRUY CẬP HÔM NAY: 1619

ĐANG ONLINE: 23