Bổ sung hàng loạt ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng


Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Thông tư 06/2019/TT-BLĐTBXH bổ sung ngành, nghề đào tạo vào Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

 

Thông tư này bổ sung hàng loạt ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng thuộc 14 lĩnh vực gồm nhiều lĩnh vực như: giáo dục và đào tạo, nghệ thuật-biểu diễn, ngoại ngữ-tin học, kinh doanh, logistics,…

 

Các ngành, nghề đào tạo trình độ cao đẳng bao gồm: 1/ Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên: Sư phạm kỹ thuật xây dựng. 2/ Nghệ thuật: Nghệ thuật biểu diễn dân ca, tạp kỹ. 3/ Nhân văn: Tiếng Anh thương mại, Tiếng Anh du lịch; Tiếng Anh lễ tân nhà hàng – khách sạn. 4/ Báo chí và thông tin: Công nghệ phát thanh - truyền hình, Thư viện - thông tin, Công nghệ thiết bị trường học, Văn thư - Lưu trữ. 5/ Kinh doanh và quản lý: Kinh doanh XNK, bán hàng siêu thị; hành chính logistics kế toán tin học, kế toán thuế, kế toán nội bộ; Quản lý kho hàng, quản lý vận tải và dịch vụ logistics, quản lý vận hành cảng, quản lý chất lượng thực phẩm, quản lý kho hàng, quản lý siêu thị. 6/ Pháp luật: Pháp luật về quản lý hành chính công; tư pháp cơ sở; pháp chế doanh nghiệp; dịch vụ pháp lý doanh nghiệp; dịch vụ pháp lý về đất đai; dịch vụ pháp lý về tố tụng; trợ lý tổ chức hành nghề công chứng,; tợ lý tổ chức hành nghề luật sư; trợ lý tổ chức đấu giá tài sản; trợ lý tổ chức hành nghề thừa phát lại. 7/ Máy tính và CNTT: Điện tử máy tính, ddồ họa đa phương tiện. 8/ Công nghệ kỹ thuật; công nghệ kỹ thuật hạ tầng đô thị; công nghệ kỹ thuật hệ thống năng lượng mặt trời; công nghệ điện tử và năng lượng tòa nhà; công nghệ cơ khí, sưởi ấm và điều hòa không khí…

Nhận định về việc bổ sung hàng loạt ngành nghề đào tạo cao đẳng theo Thông tư 06/2019 này, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI), cho biết: Việc bổ sung “nâng cấp” các ngành nghề đào tạo này cũng phù hợp với xu thế nhân lực 4.0; theo đó, nếu bậc đại học đào tạo ra những cử nhân kỹ thuật, trung cấp đào tạo ra những công nhân thực hành thì bậc cao đẳng sẽ đào tạo ra những kỹ sư thực hành, - lực lượng rất cần thiết cho sự sắp xếp, phân bổ nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đào tạo mang tính thực tiễn của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Chuyên gia lao động Trần Anh Tuấn cũng lưu ý, người lao động phải được đào tạo kiến thức tổng hợp với đầy đủ các yếu tố trên để trở thành nhân lực thời đại mới. Ông thêm: Các nhóm ngành nghề được dự báo “hot” nhất trong thời đại 4.0 bao gồm: CNTT như phân tích dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, an ninh mạng; công nghệ tự động hóa như cơ điện tử, điện tử, điều khiển tự động, chế tạo ôtô, chế tạo vật liệu; các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh (tích hợp kỹ thuật số - vật lý - sinh học); nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, logistics, du lịch, dinh dưỡng; nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo (kiến trúc, thiết kế, dịch thuật).

Theo ông Tuấn, một số ngành, nghề cần trình độ đào tạo như các ngành kỹ thuật (thành những kỹ sư thực hành, không lý thuyết học viện như các cử nhân thường thấy,…), ngành văn hóa nghệ thuật – biểu diễn, ngành logistics, ngành bán hàng trong siêu thị,… Đầy thực sự là những ngành cần không chỉ một nền tảng kiến thức tổng quát mà còn cần những kỹ năng thực tiễn và thực hành phù hợp với quá trình chuyển đổi lao động, hay chuyển dịch thị trường lao động từ trong nước như khu vực Tp.HCM qua các nước ASEAN và ngược lại. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia kỳ cựu này, trên thực tế thời gian qua, có một số ngành, nghề đào tạo không còn phù hợp với thực tiễn, lẽ ra cần phải loại bớt hay cơ cấu vào các ngành khác thì chúng ta vẫn duy trì, vì thế tạo trùng lắp. Việc bổ sung hàng loạt ngành nghề đào tạo bậc cao đẳng lần này, vì vậy theo ông Tuấn, ngoài những yếu tố tích cực nói trên, còn là nhằm thay đổi tên gọi, bổ sung nội dung đào tạo (nâng cấp) để thu hút học viên tạo hấp dẫn trong việc tuyển sinh mà thôi.

Ghi nhận tính tích cực của việc bổ sung ngành nghề đào tạo cao đẳng của tinh thần Thông tư 06/2019, chuyên gia Trần Anh Tuấn cũng cho rằng: Nếu chỉ dừng lại ở đây thì mục tiêu của chúng ta khó có thể đạt được, nếu không muốn nói là “dừng lại” bởi trước mắt “chỉ nhằm thu hút học viên”! Về lâu dài, cần phải  rà soát lại tất cả các ngành, nghề, cái nào cần xếp lại, cái nào cần đào tạo kỹ thuật viên (trung cấp), cái nào đào tạo kỹ sư thực hành, cái nào vẫn đang bị trùng lắp,… Mục tiêu sau cùng của chúng ta là để có được một đội ngũ nhân lực không chỉ đáp ứng nhu cầu tại chỗ và trong nước mà còn xuất khẩu, dịch chuyển ra các nước xung quanh, đặc biệt là các quốc gia trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) mà Việt Nam là một thành viên tích cực.

Tp.HCM hiện có 10.234 doanh nghiệp hoạt động trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành giai đoạn từ năm 2011 đến nay là 17,27%/năm. Được biết, Tp.HCM đã có nhiều đầu tư cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu này, là: Cơ khí; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành điện tử - CNTT. Tuy nhiên theo đánh giá chung thì 4 ngành này phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và cần nhiều giải pháp để tăng tốc. Ông Tuấn cũng nói thêm rằng, đây là 4 ngành trọng yếu mà Thành phố cần “nâng cấp” đào tạo, bởi nếu chỉ đào tạo ra những cử nhân kỹ thuật hay những công nhân lành nghề không chưa đủ, mà còn rất cần những kỹ sư thực hành và công việc này là lợi thế của các trường cao đẳng nghề.

  

 

Nguồn : Thời Báo Kinh Tế Việt Nam

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024902111

TRUY CẬP HÔM NAY: 5316

ĐANG ONLINE: 43