Giải đáp cặn kẽ băn khoăn của người lao động


Các đơn vị có liên quan cần sớm rà soát, tổng hợp danh sách, bổ sung hồ sơ cần thiết để người lao động khó khăn sớm được thụ hưởng từ các gói hỗ trợ của Chính phủ

 

Chương trình tư vấn trực tuyến “Chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19” do Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành phố Hồ Chí Minh tổ chức đã diễn ra vào sáng 10-5 tại hội trường Báo Người Lao Động (123 Võ Văn Tần, phường 6, quận 3) nhằm giải đáp các thắc mắc của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức – lao động về các chính sách hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng dịch bệnh cũng như quy trình, thủ tục làm hồ sơ nhận hỗ trợ.

 

Lao động tự do nào được hỗ trợ?

 

Trả lời thắc mắc của NLĐ về cơ sở để xác định mức thu nhập của NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) bị mất việc làm, ông Nguyễn Bảo Cường, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết “Đối với nhóm lao động tự do thì điều kiện để được hỗ trợ là mất việc làm, không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo của thành phố (dưới 3 triệu đồng/tháng), cư trú hợp pháp tại địa phương và thuộc 6 nhóm công việc gồm bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái môtô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. NLĐ kê khai trung thực theo đề nghị hỗ trợ (mẫu số 4 ban hành kèm theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ) và gửi về UBND phường, xã để được hỗ trợ”. Ông Cường cũng giải thích thêm đối với NLĐ sinh sống tại TP.HCM nhưng hộ khẩu ở các tỉnh, thành khác mong muốn được nhận hỗ trợ tại thành phố thì phải có xác nhận của địa phương nơi mình đăng ký hộ khẩu mới được giải quyết. Do dịch bệnh tác động lên hầu hết các lĩnh vực nên ngoài 6 nhóm công việc được hỗ trợ đã được nêu thì các quận, huyện đang rà soát, tổng hợp danh sách NLĐ bị ảnh hưởng tại các nhóm ngành nghề khác để đề xuất hướng hỗ trợ thiết thực nhất để giúp NLĐ vượt qua khó khăn.

 

Các khách mời giải đáp thắc mắc của người lao động tại chương trình tư vấn Ảnh: TẤN THẠNH

 

Được hưởng bổ sung nếu đủ điều kiện

 

Phản hồi vấn đề này, ông Nguyễn Bảo Cường cho biết trong trường hợp NLĐ bị tạm hoãn HĐLĐ hoặc nghỉ việc không hưởng lương (do DN đã phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động) có đề nghị hỗ trợ thì DN có trách nhiệm lập danh sách lao động để đề nghị hỗ trợ theo quy định và có xác nhận của Công đoàn (CĐ) cơ sở và cơ quan BHXH. Nếu DN chưa có CĐ thì LĐLĐ quận - huyện, CĐ KCX-KCN có trách nhiệm xác nhận danh sách. Với các DN có nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc địa điểm sản xuất - kinh doanh muốn được nhận hỗ trợ cho NLĐ (thuộc diện hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng), DN gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến UBND quận, huyện nơi đóng BHXH bắt buộc cho NLĐ của DN hoặc chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm sản xuất - kinh doanh. Ông cũng lưu ý thêm trong trường hợp DN không lập danh sách thì các đơn vị có liên quan phải tìm hiểu nguyên nhân, hỗ trợ, hướng dẫn DN thực hiện đúng để NLĐ được hỗ trợ.

 

Ông Cường khẳng định NLĐ bị chấm dứt HĐLĐ, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp vẫn được hưởng 2 gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố. Ông Cường lý giải là do DN nợ nên không liên quan đến việc NLĐ có được hưởng gói hỗ trợ này hay không? Trong trường hợp này, NLĐ không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn 3 triệu đồng/tháng cần hỗ trợ thì kê khai đầy đủ theo mẫu quy định của nhà nước để được xét hỗ trợ.

 

Trước khi có Nghị quyết 42/NQ-CP, TP HCM đã triển khai gói hỗ trợ cho NLĐ theo Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐND nên trường hợp NLĐ đã hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 02 (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng), nếu đủ điều kiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP thì được hỗ trợ bổ sung 800.000 đồng/người/tháng.

 

Không tùy tiện cho NLĐ nghỉ việc do dịch bệnh

 

Trao đổi cụ thể về vấn đề quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của DN khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - LĐLĐ TP.HCM, cho biết theo điều 38 Bộ Luật Lao động quy định nếu DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong trường hợp này, DN phải báo cho NLĐ biết trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc ít nhất 30 ngày đối với HĐLĐ xác định thời hạn và NLĐ được hưởng trợ cấp thôi việc (nếu có). Ông Triều lưu ý thêm là thời gian qua, một số DN lợi dụng quy định này để sa thải NLĐ lớn tuổi, nuôi con nhỏ, hoặc vì lý do khác... Theo ông để chấm dứt tình trạng này, nếu vì lý do dịch thì phải do cơ quan có thẩm quyền công bố. Còn nếu lý do vì ảnh hưởng dịch bệnh, gây khó cho sản xuất - kinh doanh, phải giảm bớt lao động thì DN phải xây dựng phương án cụ thể theo quy định. Do vậy, CĐ cơ sở cần phải giám sát chặt chẽ để bảo vệ quyền lợi NLĐ.

 

Về việc DN buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động và cho NLĐ tạm ngừng việc thì cách tính tiền lương của NLĐ, ông Triều cho biết theo quy định, trong trường hợp DN cho NLĐ ngừng việc vì lý do dịch Covid-19 thì tiền lương của NLĐ sẽ trả theo thỏa thuận giữa 2 bên nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

 

Trích nguồn: https://nld.com.vn/cong-doan/giai-dap-can-ke-ban-khoan-cua-nguoi-lao-dong-20200510205512132.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024881815

TRUY CẬP HÔM NAY: 4147

ĐANG ONLINE: 12