TP.HCM: Thị trường lao động việc làm còn nhiều biến động


Phần đông người tìm việc là lao động phổ thông, sinh viên học sinh tìm việc làm bán thời gian,

kinh doanh hay giúp việc văn phòng…

 

(Dân sinh) - Tình hình dịch Covid-19 kéo dài, khiến cho thị trường lao động tại TP.HCM trong 5 tháng qua gần như chững lại, nhiều doanh nghiệp phải cầm chừng để duy trì hoạt động nên nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp cũng giảm mạnh.

 

Doanh nghiệp cắt giảm lao động

 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực quý I/2020 cần 65.430 chỗ làm việc và 28.837 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Nhu cầu tuyển dụng giảm ở một số ngành, nghề như vận tải; giáo dục; dịch vụ lưu trú; du lịch; dệt may – giày da.

 

Qua khảo sát nhanh 163 doanh nghiệp, cho thấy tỉ lệ doanh nghiệp trả lời cho lao động làm việc bình thường là 77,3% doanh nghiệp, 8,6% doanh nghiệp giảm giờ làm, 7,4% doanh nghiệp không tăng ca và 6,7% doanh nghiệp thiếu việc làm.

 

Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, có đến 25,15% doanh nghiệp được khảo sát dự kiến cắt giảm lao động trong thời gian tới khi tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục bị tác động do tình hình dịch bệnh. Hình thức cắt giảm lao động chủ yếu là giảm giờ làm việc (46,34%), tạm thời cho người lao động nghỉ việc không hỗ trợ tiền lương (19,5%), tạm thời cho người lao động nghỉ việc có hỗ trợ tiền lương (29,16%) và cho lao động thôi việc (5%).

 

Nhu cầu nhân lực quý I/2020 cần 65.430 chỗ làm việc và 28.837 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm

 

Theo bà Trần Lê Thanh Trúc – GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, ngoài trình độ chuyên môn kỹ thuật, doanh nghiệp hiện nay còn đòi hỏi người lao động phải đảm bảo năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm làm việc và đặc biệt là phải trang bị kỹ năng nghề khi tham gia thị trường lao động.

 

Vì vậy, nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng tập trung nhiều ở lao động qua đào tạo, có trình độ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc, ngoài yếu tố tiền lương, môi trường làm việc, chính sách đãi ngộ của doanh nghiệp và cơ hội thăng tiến cũng là vấn đề người lao động quan tâm nhiều nhất. Hiện nay, không ít người lao động cũng cân nhắc cơ hội dịch chuyển việc làm để ổn định công việc, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

 

Hiện, nhu cầu tìm kiếm việc làm cũng tập trung nhiều ở lao động qua đào tạo,

có trình độ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm làm việc

 

Hoạt động cầm chừng

 

Xu hướng này tiếp tục kéo dài sang quý 2 với dự báo nhu cầu tuyển dụng cần 47.000 lao động, tiếp tục giảm 37,33% so với cùng kỳ năm 2019 chủ yếu ở các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, giày da...

 

Đối với các lĩnh vực, ngành liên quan đến hoạt động dịch vụ, phục vụ nhỏ lẻ trong công nghiệp, thương mại, nông nghiệp (sửa chữa, xây dựng, dịch vụ mùa vụ, vệ sinh môi trường, chế biến…) sẽ có khả năng phát triển theo hướng việc làm ngắn hạn tạm thời cho những việc làm đang bị cắt giảm ở những hoạt động lớn.

 

Tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp bắt đầu thiếu hụt nguồn nguyên vật liệu sản xuất và khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, một số doanh nghiệp tạm dừng kế hoạch tuyển dụng lao động cho việc mở rộng quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn, sử dụng nhiều lao động vẫn đang cố gắng duy trì hoạt động trong điều kiện còn nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất từ 2 đến 3 tháng.

 

Ghi nhận tại 10 văn phòng trực thuộc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, hiện bình quân mỗi ngày các đơn vị tiếp nhận khoảng 100 hồ sơ tìm việc. Trong đó, phần đông người tìm việc là lao động phổ thông, sinh viên học sinh tìm việc làm bán thời gian, kinh doanh hay giúp việc văn phòng...

 

Ngược lại, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng rất ít, do phần lớn các doanh nghiệp đang trong giai đoạn khó khăn, một số đang trong tiến trình khởi động, phục hồi lại sản xuất phù hợp với tình hình mới.

 

Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên, hiện nhiều doanh nghiệp đã đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng trong những tháng tới từ vài chục lên đến vài trăm lao động.

 

Các chỉ tiêu tập trung ở ngành nghề như kinh doanh, tiếp thị, bán hàng, lái xe, vận tải, chuyển phát nhanh, giao hàng, chăm sóc khách hàng, ngân hàng, tư vấn tài chính, kế toán, kiểm toán, thu ngân...

 

Trước mắt, Trung tâm sẽ thực hiện khảo sát trực tiếp nhu cầu lao động, tìm việc của thanh thiếu niên, sinh viên tại các trường học, quận huyện đoàn. Đồng thời tiến hành tổ chức các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp gỡ và tuyển dụng trực tiếp thông qua chương trình tiếp sức người lao động, sàn giao dịch việc làm, cà phê việc làm, tuyển dụng tại các doanh nghiệp, văn phòng của trung tâm... vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2020.

 

Hiện nhiều doanh nghiệp đã đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng trong những tháng tới từ vài chục lên đến vài trăm lao động

 

Trước đó, Công ty cổ phần Giày da Huê Phong (gọi tắt là Công ty Huê Phong, quận Gò Vấp, TPHCM) cắt giảm gần 50% số lao động đang làm việc tại công ty.

 

Số lao động của Công ty Huê Phong hơn 4.500 người, công ty cắt giảm hơn 2.200 người, còn hơn 2.300 người tiếp tục làm việc. Nguyên nhân cắt giảm là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều khách hàng của công ty ở thị trường châu Âu và Mỹ đã hủy đơn hàng, không xuất được hàng vào các thị trường trên. Vì thế, việc sản xuất kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn, buộc phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động.

 

Trước tình hình này, Sở LĐ-TB&XH cùng Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp đã hỗ trợ người lao động sau khi mất việc, toàn bộ  2.222  người lao động bị mất việc được giới thiệu tới làm việc tại 8 công ty trên địa bàn quận Gò Vấp.

 

Nguồn: baodansinh.vn - PHA LÊ

Link: http://baodansinh.vn/tphcm-thi-truong-lao-dong-viec-lam-con-nhieu-bien-dong-20200531123159247.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024877737

TRUY CẬP HÔM NAY: 1005

ĐANG ONLINE: 9