Một số đề xuất nhằm phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp


TS. Đỗ Thanh Vân - P.GĐ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực
và Thông tin thị trường lao động TP.HCM

Tóm tắt:

Xây dựng mối quan hệ, phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN) và doanh nghiệp (DN) là một trong những biện pháp cơ bản trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội. Hình thức này đã được áp dụng từ lâu tại các nước công nghiệp phát triển. Hiện nay tại nước ta nói chung và thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói riêng cũng đã thực hiện biện pháp này dưới nhiều hình thức. Tuy nhiên, để hoạt động gắn kết này được duy trì và ngày càng phát triển trong giai đoạn hiện nay, nhất là chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động thì cần thiết phải quan tâm nhiều hơn nữa những yếu tố, điều kiện để phát triển bền vững mối quan hệ này.

 

Trong bài viết này đã đưa ra tình hình thực tế các CSGDNN và DN trên địa bàn thành phố, qua đó đề xuất một số biện pháp để nhà trường và DN có thể vận dụng để phát triển tốt mối quan hệ gắn kết này để tổ chức đào tạo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

1. Sự cần thiết phát triển mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thu hút đầu tư nước ngoài, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao trong và ngoài nước ngoài làm việc ở các vị trí có trình độ tay nghề cao như là chuyên gia, quản lý...  với thiết bị, công nghệ sản xuất hiện đại và môi trường làm việc mang tính công nghiệp hóa cao, điều này đem lại lợi ích về kinh tế, cũng như kinh nghiệm thực tiễn về quản lý, tổ chức và kỹ thuật cho doanh nghiệp và người lao động tại thành phố.  

Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng sâu rộng với khu vực và quốc tế, chất lượng nguồn nhân lực hiện đang là thách thức lớn. Thực trạng ấy đặt ra cho công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhiều đòi hỏi cấp thiết, nhất là những giải pháp căn bản với tầm nhìn xa, nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cao của thị trường lao động phong phú, đa dạng.

 

Do đó, để đáp chất lượng của nguồn lao động theo nhu cầu của thị trường lao động hiện nay đòi hỏi về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (CSGDNN), với vai trò là bên “cung” nguồn lao động và về phía doanh nghiệp (DN) với tư cách là  bên “cầu” nguồn lao động, hai bên phải có sự phối hợp chặt để:

 

            - CSGDN thực hiện phân tích, đánh giá nhu cầu sử dụng nhân lực của DN để xác định các ngành, nghề đào tạo và quy mô đào tạo phù hợp cơ cấu ngành nghề của thị trường lao động;

 

- Bổ sung kịp thời nội dung chương trình, giáo trình trên cơ sở cập nhật những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến liên quan đến ngành/nghề đào tạo, đảm bảo tính thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, nhu cầu tuyển dụng và yêu cầu của thị trường lao động; bổ sung, đầu tư thiết bị cho phù hợp với sự thay đổi về công nghệ sản xuất của các DN. Từ đó, tổ chức đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật trình độ cao cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế trọng điểm của Thành phố.

 

- Doanhh nghiệp cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm cho CSGDNN.

 

- Đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp.

 

- Doanh nghiệp tiếp nhận người học, nhà giáo đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề và tuyển dụng lao động từ các sinh viên, học sinh đã tốt nghiệp từ các CSGDNN.

 

Từ những yêu cầu nêu trên cho thấy việc xây dựng và phát triển mối quan hệ giữa CSGDNN và DN nhằm tổ chức đào tạo nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, đáp ứng cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề theo định hướng phát triển của Thành phố và hội nhập kinh tế khu vực, kinh tế thế giới là một công việc cấp thiết hiện nay.

 

 2. Tình hình các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố

Về số lượng các CSGDNN, theo số liệu Báo cáo của Phòng Giáo dục nghề nghiệp (Sở LĐTBXH) thì trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có 544 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó: 52 trường Cao đẳng, 64 trường Trung cấp và 82 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và 346 cơ sở hoạt động GDNN. Qui mô tuyển sinh của các CSGDNN năm 2018 (so với chỉ tiêu tuyển sinh 461.000) đạt 482.699/461.000 (104,71%), trong đó: tuyển sinh đào tạo trình độ cao đẳng là 46.782/45.000 (103,96%); trình độ trung cấp là 29.091/36.000 (80,81%); trình độ sơ cấp và thường xuyên là 406.826/380.000 (107,06%). Trong đó: 04 nhóm ngành Công nghiệp trọng yếu (tổng số có 92.788/482.699 người, chiếm tỉ lệ: 19,22%): 20.890 người trình độ cao đẳng, 16.343 người trình độ trung cấp, 55.555 người trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. 09 nhóm ngành Dịch vụ (tổng số có 365.687/482.699 người, chiếm tỉ lệ: 75,76%): 17.523 người trình độ cao đẳng, 9.554 người trình độ trung cấp, 338.610 người trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Các nhóm ngành tự do dịch chuyển lao động trong khối ASEAN (tổng số có 24.224/482.699 người, chiếm tỉ lệ: 5,02%): 8.369 người trình độ cao đẳng, 3.194 người trình độ trung cấp, 12.661 người trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để thực hiện thành công chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2018, đơn cử:

Khối trường Cao đẳng: có 14 trường tuyển sinh đạt trên 100% chỉ tiêu; 09 trường tuyển sinh đạt từ 70% đến 90%; 07 trường tuyển sinh đạt từ 50% đến 70%.

Khối trường Trung cấp: có 03 trường tuyển sinh đạt trên 100% chỉ tiêu; 08 trường tuyển sinh đạt từ 70% đến 90%; 09 trường tuyển sinh đạt từ 50% đến 70%.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động thành phố, hiện nay số doanh nghiệp thực tế hoạt động là 203.674 doanh nghiệp, tăng 18,65% so với năm 2016, trong đó doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 198.587 doanh nghiệp, tăng 18,81%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 4.735 doanh nghiệp, tăng 13,79%; riêng doanh nghiệp nhà nước có 352 doanh nghiệp, tăng 0,57% do cổ phần hóa. Xét theo quy mô lao động có trong DN thì số doanh nghiệp vừa và nhỏ có 28.465 doanh nghiệp và số doanh nghiệp lớn có 4.517 doanh nghiệp. Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 83%, trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 19,50%, cao đẳng chiếm 17,21%, trung cấp chiếm 21,58%, sơ cấp chiếm 24,71%.

Bảng 1. Thực trạng lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp

Loại hình DN

Đơn vị

2017

2018

2019*

2020*

Nhà nước

Người

152,572

158,565

150,186

141,892

%

5.14

5.14

4.71

4.33

Ngoài nhà nước

Người

2,160,969

2,218,761

2,298,319

2,374,644

%

72.83

71.85

72.14

72.39

FDI

Người

653,568

710,601

737,205

763,709

%

22.03

23.01

23.14

23.28

Tổng cộng

Người

2,967,109

3,087,928

3,185,710

3,280,246

 

Bảng 2. Lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp theo 04 ngành công nghiệp trọng yếu

Đvt: Người

Ngành

2017

2018

2019*

2020*

Chế biến lương thực, thực phẩm

83,891

85,471

87,052

88,633

Hóa chất - Nhựa - Cao su

107,622

109,535

111,448

113,360

Điện tử - Công nghệ thông tin

37,407

39,573

41,740

43,907

Cơ khí

135,566

137,649

139,732

141,815

Tổng cộng

364,486

372,228

379,971

387,714

 

 Bảng 3. Nhu cầu nhân lực theo 04 ngành công nghiệp trọng yếu giai đoạn 2020 – 2025

Ngành

Tỷ lệ
(%)

Số chỗ làm việc
(người/năm)

Cơ khí

5

15.500 – 16.500

Điện tử - Công nghệ thông tin

8

24.800 – 26.400

Chế biến lương thực thực phẩm

4

12.400 – 13.200

Hóa chất – Nhựa cao su

4

12.400 – 13.200

Nhu cầu nhân lực 04 ngành công nghiệp trọng yếu hàng năm

21

65.100 – 69.300

 

Bảng 4. Nhu cầu nhân lực theo 09 ngành kinh tế - dịch vụ giai đoạn 2020 – 2025

Ngành

Tỷ lệ
(%)

Số chỗ làm việc
(người/năm)

Tài chính – Tín dụng – Ngân hàng – Bảo hiểm

5

15.500 – 16.500

Giáo dục – Đào tạo

6

18.600 – 19.800

Du lịch

9

27.900 – 29.700

Y tế

5

15.500 – 16.500

Kinh doanh tài sản – Bất động sản

4

12.400 – 13.200

Dịch vụ tư vấn, khoa học – công nghệ, nghiên cứu và triển khai

3

9.300 – 9.900

Thương mại

13

40.300 – 42.900

Dịch vụ vận tải – Kho bãi – Dịch vụ cảng

5

15.500 – 16.500

Dịch vụ bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin

5

15.500 – 16.500

Nhu cầu nhân lực 09 ngành kinh tế - dịch vụ hàng năm

55

170.500 – 181.500

Qua các số liệu diện dẫn nêu trên đã cho chúng ta thấy:

Số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và số lượng các doanh nghiệp là 544/203.674, một trường sẽ có cơ hội hợp tác với nhiều doanh nghiệp, các nghề nghề đào tạo đều có nơi để giáo viên và sinh viên, học sinh thực tập.

Giữa nhu cầu nhân lực 04 ngành công nghiệp trọng yếu hàng năm là 65.100 – 69.300; nhu cầu nhân lực 09 ngành kinh tế - dịch vụ hàng năm 170.500 – 181.500 và qui mô tuyển sinh hàng năm đào tạo trình độ cao đẳng 46.782, trình độ trung cấp 29.091, cả 2 trình độ khoảng 75.873 so với nhu cầu nhân lực hàng năm thì đào tạo vẫn chưa cung cấp đủ cho nhu cầu thị trường lao động.

Trong những năm qua, hầu hết các trường trung cấp và cao đẳng đều có mối quan hệ tốt với doanh nghiệp, trong thời gian quan các doanh nghiệp đã cử người tham gia trong hội đồng xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình của các trường, tiếp nhận giáo viên, sinh viên, học  đến thực tập tại doanh nghiệp, liên kết thực hiện chương trình đào tạo, đạt hàng các trường đào tạo, bồi dưỡng người lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp, tuyển dụng lao động đã qua đào tạo của CSGDNN, cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu lao động của các lĩnh vực cho CSGDNN…

Tuy nhiên, hiện cũng chưa có nhiều DN quan tâm hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị cho các CSGDNN để đào tạo nghề cho lực lượng lao động. Những thiết bị được hỗ trợ thông thường là những thiết bị có công nghệ cũ, lạc hậu. Ngoài ra, các DN cũng chỉ thực hiện việc cấp học bổng cho học sinh học nghề trong thời gian ngắn, số lượng ít và với điều kiện sau khi tốt nghiệp học sinh đó về làm việc cho DN một thời gian theo quy định của DN.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu đã gây nên tình trạng nêu trên là do nhiều DN chưa thật sự quan tâm đến công tác đào tạo nghề, mối quan hệ giữa CSGDNN và DN còn lỏng lẻo và tự phát, chưa có mô hình và giải pháp tổ chức quản lý sự gắn kết  giữa CSGDNN với  DN phù hợp, đồng thời chưa được cơ quan nhà nước quản lý, kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ. Do đó, hiệu quả của hoạt động liên kết không cao, thiếu tính bền vững và chưa được áp dụng rộng rãi.

3. Đề xuất một số nội dung nhằm phát triển mối quan hệ giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Để việc liên kết giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đạt hiệu quả và thiết thực hơn, cần thực hiện có hiệu quả một số đề xuất sau:

a. Về phía Nhà nước:

   Hiện nay, về mặt pháp lý đã có Luật Giáo dục nghề nghiệp, trong đó có chương 4 gồn 2 điều 51 và qui định rất cụ thể về quyền và trách nhiệm của DN trong hoạt động GDNN, đặc biệt có qui định về quyền lợi kinh tế của DN là “Các khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế” và xem đây là một trong những biện pháp xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp; trong năm 2017 Bộ LĐTBXH đã ban hành các Thông tư số 03, 05, 07, 15 và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục GDNN. Các văn bản này đã qui định cụ thể về một số hoạt động GDNN trong CSGDNN phải có sự tham gia của DN, ví dụ như xây dựng, thẩm định chương trình, giáo trình; kiểm tra đánh giá kết quả học tập; đánh giá chất lượng CSGDNN và chương trình đào tạo… có thể nói, mối quan hệ giữa CSGDNN với DN là mối quan hệ không tách rời nhau và được luật hóa mối quan hệ này. Điều quan trọng là các cơ quan quản lý NN ở địa phương có văn bản hướng dẫn và kiểm tra thực chất của việc thực hiện này nhằm phát triển mối quan hệ này theo đúng qui định của nhà nước.

Do đó, quản lý nhà nước về sự gắn kết giữa CSGDNN và DN là một hoạt động tất yếu khách quan và có ý nghĩa rất quan trọng; đảm bảo sự ổn định, gắn bó trách nhiệm và quyền lợi trong hoạt động GDNN; đảm bảo sự phát triển đúng hướng của CSGDNN và DN so với hướng phát triển chung của toàn xã hội. Có thể nói, phương pháp chính trong quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này là phải dùng phương pháp kinh tế đồng thời với phương pháp thuyết phục, phương pháp hành chính và phương pháp tâm lý tình cảm.

b. Về phía nhà trường: (CSGDNN)

- Hội đồng trường ra Quyết nghị về Xây dựng mối quan hệ và tăng cường sự gắn kết của các doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Lãnh đạo CSGDNN chỉ đạo các bộ phận chức năng trong việc cụ thể hóa các qui định của nhà nước thành các văn bản qui định của nhà trường về hoạt động GDNN.

- Đối với các Khoa chuyên môn, chủ động trong việc tìm kiếm đối tác có lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với các ngành/nghề đào tạo của CSGDNN để tham mưu cho lãnh đạo CSGDNN về kế hoạch, nội dung hoạt động nhằm gắn kết hoạt động GDNN gắn cụ thể với yêu cầu của doanh nghiệp.

- Chủ động liên hệ và ký Biên bản ghi nhớ hoặc Hợp đồng về hoạt động GDNN, mỗi CSGDNN phải quan hệ được tối thiểu với 2 DN. Nội dung trong hợp đồng cần tập trung vào hình thức hợp tác ở lĩnh vực nào để phù hợp với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp; hợp tác hai bên cùng có lợi; thống nhất cơ chế giám sát và các chính sách hỗ trợ; đảm bảo tính thống nhất, nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công việc; việc tuân thủ các nguyên tắc trong phối kết hợp.

- Chủ động mời các nhà quản lý, nhân lực giỏi từ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động GDNN của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về những kỹ năng tác nghiệp trên máy móc, thiết bị thực tế để quá trình nghiên cứu, giảng dạy phù hợp với thực tiễn.

- Thành lập mới hoặc phân công bộ phận/cá nhân phụ trách  chuyên trách về liên kết, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, chuẩn bị trang thiết bị và tạo điều kiện để các doanh nghiệp vào hoạt động đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bộ phận này chủ động Xây dựng kế hoạch trong việc phối hợp với các doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, thực hiện phối hợp, theo dõi tiến độ và kết quả thực hiện sự phối hợp này.

c. Về phía doanh nghiệp:

- Tạ điều kiện tiếp nhận sinh viên kiến tập, thực tập, tham quan, khảo sát, tuyển dụng và sử dụng sinh viên tốt nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Có chiến lược nuôi dưỡng, ươm mầm tài năng tại các các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhiều hình thức như cung cấp học bổng, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tuyển dụng trước và sau tốt nghiệp.

- Sẵn sàng phối hợp với các CSGDNN, trao đổi, bàn bạc thống nhất các nội dung phối hợp. Cử cán bộ, chuyên gia tham gia cùng với CSGDN trong các nội dung hoạt động GDNN.

- Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia vào các dự án hoặc chia sẻ, cố vấn cho Doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo nội bộ.

Để đánh giá được hoạt động gắn kết này có đạt mục tiêu và đảm bảo các yêu cầu hay không, cần phải có công cụ đánh giá cho nhiệm vụ thực hiện các chức năng quản lý. Bộ tiêu chuẩn đánh giá mối quan hệ giữa CSGDNN và DN, tùy vào qui mô và tính chất hợp tác cả hai phía có thể xác định các nội dung cụ thể (tiêu chuẩn) đánh giá trong phạm vi các tiêu chí cơ bản như sau:

Tiêu chí 1: Kế hoạch và mục tiêu phối hợp giữa CSGDNN và DN.

Tiêu chí 2: Tổ chức và chỉ đạo thực hiện quản lý hoạt động phối hợp.

Tiêu chí 3: Kiểm tra các nội dung phối hợp đã ký kết.

Tiêu chí 4: Hiệu quả của hoạt động phối hợp giữa CSGDNN và DN.

Tiêu chí 5: Đánh giá tính bền vững hoạt động phối hợp giữa CSGDNN và DN.

Tóm lại: Để phát triển bền vững mối quan hệ giữa CSGDNN với DN, về phía CSGDN cần phải có kế hoạch chiến lược phát triển hoạt động phối hợp của đơn vị mình. Từ kế hoạch chiến lược dài hạn của CSGDNN, các DN là đối tác của nhà trường sẽ làm căn cứ để triển khai các hoạt động hợp tác như mong đợi của CSGDNN; cử cán bộ, chuyên gia của DN tham gia vào các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, kế hoạch tuyển dụng và đặt hàng cho nhà trường đào tạo hoặc liên kết đào tạo lực lượng lao động theo yêu cầu phát triển của DN.

Tài liệu tham khảo:

[1] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Hà Nội, tháng 6/2017

[2] Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thông tư Quy định hệ thống bảo đảm chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, số 28/2017/TT-BLĐTBXH, ngày 15/12/2017

[3] Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 03/2017/TT-BLĐTBXH Quy định về qui trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình; tổ chức biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình trong đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

[4] Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (2017), Thông tư số 07/2017/TT-BLĐTBXH Quy định về Chế độ làm việc của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

[5] Nguyễn Phan Hòa (2014), Xây dựng mô hình liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề doanh nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo,Đề tài NCKH cấp thành phố.

[6] Quốc Hội (2014), Luật số 74/2014/QH13 Luật Giáo dục nghề nghiệp

[7] TP.HCM - Sở LĐTBXH (2019), Báo cáo “Tổng kết năm 2018 và Phương hướng nhiệm vụ công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2019” 

[8] Đỗ Thanh Vân (2013), “Hiệu quả liên kết với các cơ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quá trình đào tạo nghề: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Khoa học giáo dục – Viện NCKHGD, số 95 (8/2013), tr 54 – 56.

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024881966

TRUY CẬP HÔM NAY: 4299

ĐANG ONLINE: 11