Tháo gỡ khó khăn cho tuyển sinh, đào tạo giáo dục nghề nghiệp


(Dân sinh) - Tổng cục GDNN (Bộ LĐ-TB&XH) vừa tổ chức hội nghị trực tuyến về Công tác tuyển sinh, đào tạo trong 7 tháng năm 2021 và nhiệm vụ giải pháp những tháng cuối năm trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Tổng cục GDNN đã nhận diện những khó khăn trong công tác tuyển sinh và đưa ra các giải pháp cụ thể để gỡ khó cho công tác này.

 

Ảnh minh họa

 

Năm 2021 đại dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát trở lại với những diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động trong đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tuyển sinh, tổ chức đào tạo cũng như công tác quản lý chung của các nhà trường.

 

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng, trong 7 tháng năm 2021, công tác tuyển sinh mặc dù khó khăn nhưng vẫn có những dấu hiệu tích cực ở các trường có "thương hiệu". Theo kết quả tổng hợp tuyển sinh trên Phần mềm quản lý số liệu cho thấy, đầu năm 2021 một số lĩnh vực ngành, nghề vẫn có kết quả tuyển sinh tốt như: Máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Công nghệ kỹ thuật, Du lịch khách sạn, Sức khỏe, Kinh doanh và quản lý... Tuy nhiên, so với kế hoạch tuyển sinh của năm 2021 thì kết quả chung vẫn còn khá thấp. Tính đến ngày 15/8, có 215/400 trường cao đẳng và 262/463 trường trung cấp tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng với hơn 75.000 người, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021, bằng khoảng 83% so với cùng kỳ năm 2020.

 

Tổng cục GDNN đã nhận diện một số khó khăn trong công tác tuyển sinh. Cụ thể, công tác tư vấn trực tiếp tại trường và tại các địa phương không được triển khai theo kế hoạch do việc thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi hình thức tuyển sinh trực tuyến cũng gặp khó khăn do một bộ phận người học chưa quen với các phương tiện, công cụ làm việc online hoặc thiếu các điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu vực có điều kiện kinh tế còn khó khăn, các khu vực có hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.

 

Mặt khác, việc các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp FDI) tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo với số lượng lớn, cả đối tượng tốt nghiệp THCS với mức lương hấp dẫn và nhiều chính sách đãi ngộ phù hợp đã thu hút những người trẻ tham gia ngay vào thị trường lao động mà chưa qua đào tạo; công tác phân luồng học sinh sau THCS vào học nghề chưa được thực hiện tốt, mới đạt khoảng 15% so với mục tiêu 30% người tốt nghiệp THCS vào học nghề… cũng là những "rào cản" không nhỏ đối với tuyển sinh đào tạo nghề.

 

Tổng cục GDNN đã đưa ra những giải pháp cụ thể để "gỡ khó" cho công tác tuyển sinh và đào tạo.Theo đó, hiện nhiều nơi đang thực hiện giãn cách xã hội, mọi người đều ở nhà nên đây chính là "thời điểm vàng" để thông tin, quảng cáo về hoạt động GDNN trên các kênh truyền hình. Do vậy, các cơ sở GDNN cần khai thác mạnh mẽ các kênh phát thanh, truyền hình trung ương, địa phương trong công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh.

 

Cùng với đó, các cở sở đào tạo gấp rút triển khai số hóa tài liệu tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh theo hướng chuyên nghiệp; xây dựng các cẩm nang nghề nghiệp điện tử ở những ngành nghề mà trường đào tạo để phát hành trên các nền tảng số, giúp dễ dàng tiếp cận đến các đối tượng, gây được sự quan tâm, chú ý của học sinh, người dân.

 

Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh các đối tượng tốt nghiệp THPT, tổ chức các chương trình đào tạo chất lượng cao, tuyển sinh liên kết đào tạo với nước ngoài cho đối tượng có nhu cầu (số người học dự định du học nước ngoài không thực hiện được sẽ quay sang các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài).

 

Tổng cục GDNN cũng lưu ý các trường, đối với các lớp/khóa học chuẩn bị ra trường, các trường xem xét phương án tổ chức học tập trung tại trường theo mô hình "3 tại chỗ" nhằm bảo đảm tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn an toàn trong phòng, chống dịch bệnh.

 

Các cơ sở đào tạo cũng xác định, việc đào tạo trực tuyến được thực hiện qua các công cụ dạy học trực tuyến theo thời gian thực (Microsoft Teams, Zoom, Webex, Google Hangouts Meet,...) hoặc theo hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp LMS (Learning Management System) nhưng việc kiểm tra, thi kết thúc module, môn học trực tuyến được thực hiện trực tiếp, tập trung tại cơ sở GDNN. Đối với một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc những ngành nghề, môn học, modul có nội dung phù hợp, hiệu trưởng các trường có thể cho phép thực hiện theo hình thức trực tuyến gián tiếp (không tập trung tại trường) nhưng phải bảo đảm đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của người học và chống được gian lận trong quá trình thi, kiểm tra.

 

Đối với những địa phương, những vùng ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, cần tập trung cao độ cho việc tuyển sinh, thực hiện cả tuyển sinh trực tiếp, kết hợp đẩy mạnh hơn nữa tuyển sinh trực tuyến, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh đã đặt ra.

 

Tổng cục GDNN cũng xác định, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg cũng sẽ là "cơ hội vàng" cho các cơ sở GDNN vượt qua khó khăn. Chính sách hỗ trợ sẽ tạo động lực, giúp người lao động nâng cao kỹ năng nghề. Do vậy, các trường cần phải đẩy mạnh hoạt động tuyển sinh ở lĩnh vực này, chủ động tiếp cận người sử dụng lao động, các doanh nghiệp để tổ chức đào tạo theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục và "Cẩm nang đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19".

 

Nguồn: baodansinh.vn

Link: https://baodansinh.vn/thao-go-kho-khan-cho-tuyen-sinh-dao-tao-giao-duc-nghe-nghiep-20210823192634158.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024723960

TRUY CẬP HÔM NAY: 8667

ĐANG ONLINE: 48