Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động trở lại làm việc


 

Thị trường lao động cả nước nói chung và các tỉnh thành phía Nam nói riêng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc, có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Điều này cũng cho thấy một nguy cơ hiện hữu là vấn đề thiếu nhân lực cho giai đoạn hồi phục sản xuất kinh doanh sau đại dịch.

 

Nguy cơ thiếu nhân lực lao động sau đại dịch

 

Tại cuộc tọa đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người lao động tổ chức chiều 1/10, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc TT Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM cho biết, thị trường lao động TP.HCM ảnh hưởng nặng nề dưới tác động của dịch bệnh, tỷ lệ lao động ngừng việc, mất việc có xu hướng tăng, người lao động thiếu việc làm, giảm giờ làm, buộc thôi việc dẫn đến giảm, mất thu nhập. Để duy trì lượng đơn hàng, các doanh nghiệp đã ra sức giữ chân lao động cũ cũng như tuyển dụng lao động bổ sung phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

 

Hiện TP.HCM có trên 470.000 DN đang đăng ký hoạt động, trong đó trên 15.000 DN FDI với trên 3,2 triệu công nhân. Nhưng qua tác động của dịch Covid-19 trong 5 tháng vừa qua đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ…Trong 5 tháng qua, chỉ có 70 DN hoạt động "3 tại chỗ" với 600.000 lao động, trong khi đó 1,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc, giãn việc không hưởng lương.

 

Ở TP.HCM, DN vừa và nhỏ chiếm 98% nên lượng lao động bị ảnh hưởng rất lớn, nhất là ngành may mặc, giày da, dịch vụ thương mại, giao thông. Hầu hết các DN chịu không nổi, nhiều DN phá sản.

 

Hiện TP.HCM có 17 KCN-KCX với 1.600 DN với 322.000 công nhân cũng rất khó khăn và không thể duy trì "3 tại chỗ" vì chi phí quá lớn. Rồi lao động tự do với 660.000 người bị ảnh hưởng rất lớn.

 

Về cung ứng lao động, 5 tháng qua tỉ lệ lao động nghỉ làm hưởng bảo hiểm thất nghiệp khoảng trên 100.000 người và 500.000 lao động nghỉ làm.

 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Tăng cường đào tạo lại lao động để phục hồi thị trường lao động. Chính sách an sinh để giữ chân người lao động.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: Tăng cường đào tạo lại lao động để phục hồi thị trường lao động.

Chính sách an sinh để giữ chân người lao động.

 

Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, dự kiến nhu cầu nhân lực quý IV năm 2021 cần khoảng 43.654 – 56.869 chỗ làm việc. Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp khác đã bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, đặt ra việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu.

 

Tại Bình Dương, ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho biết, với dân số 2,6 triệu người, trong đó số người nhiễm khoảng 200.000 người (chiếm tỉ lệ hơn 7%), điều đó ảnh hưởng khá lớn đến tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn.

 

Bình Dương hiện có số lao động khoảng 1,2 triệu người với khoảng 50.000 DN. Số DN tham gia BHXH 17.500, người lao động tham gia BHXH khoảng hơn 1,053 triệu người. Thời gian qua, chỉ có khoảng 3.500 lao động 3 tại chỗ với khoảng 250.000 người, như vậy khoảng 750.000 người phải ngừng việc. Theo dự báo, Bình Dương có thể thiếu hụt 40.000-50.000 lao động.

 

Hiện các DN đang bắt đầu làm thủ tục để tiến hành hoạt động lại. Trong thời gian tới, để thực hiện tốt vấn đề cung ứng lao động cho DN để phục hồi sản xuất, tỉnh Bình Dương đã tiến hành nhiều giải pháp như: thực hiện tốt công tác an sinh xã hội  như chi hỗ trợ nhà trọ, nhu yếu phẩm cho người dân và công nhân lao động với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng, chi hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền khoảng 900 tỉ. Sắp tới, Bình Dương tiếp tục chi hỗ trợ cho khoảng 300.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là giải pháp đảm bảo cuộc sống cho người lao động trong điều kiện khó khăn hiện nay, giúp họ gắn bó với DN và gắn bó với địa phương.

 

Tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động trở lại làm việc

 

Theo ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM, vấn đề lao động, việc làm được các cấp lãnh đạo, trong đó có lãnh đạo TP rất quan tâm. Để phục hồi phát triển kinh tế. TP.HCM đã chi gần 12.000 tỷ đồng để làm công tác an sinh. Bên cạnh đó, TP cũng rất quan tâm việc tiêm vắc-xin và tới đây, sẽ tiếp tục ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch; sau đó ưu tiên tiêm cho người trên 55 tuổi, thứ ba là tiêm cho công nhân lao động và trẻ em.

 

Ông Lê Minh Tấn cũng đề cập đến vấn đề  lao động nước ngoài  và cho biết, hiện TP đang cấp phép 27.000 lao động của 141 quốc gia, vùng lãnh thổ, đó là nhà quản lý, chuyên gia, lao động chất lượng cao đang làm việc tại TP.HCM., Sở LĐ-TB&XH TP sẽ tiếp tục tạo điều kiện để lao động nước ngoài nhập cảnh thuận lợi hơn, đồng thời,  tạo điều kiện thuận lợi nhất cho lao động các tỉnh trở lại làm việc tại TP.HCM.

 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm trực tuyến

Các đại biểu tham dự Tọa đàm trực tuyến

 

Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho rằng, để  đảm bảo nguồn nhân lực trên địa bàn TP.HCM, cần phải có chủ trương, giải pháp, kế hoạch của thành phố cũng như của DN để đón công nhân trở lại, không để công nhân tự phát đi và về. Bên cạnh đó, các địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nhân ở các tỉnh giáp ranh, đã đủ điều kiện về việc tiêm vắc-xin được đi lại để làm việc.

 

Về phía người sử dụng lao động, cần phải có chính sách trong ngắn hạn hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc, bởi sau thời gian dài giãn cách, cuộc sống của họ đều rất khó khăn nên rất có các chính sách hỗ trợ như túi an sinh, hỗ trợ chi phi tiền nhà trọ… để họ an tâm làm việc.

 

Ngoài ra, các DN có người lao động được hỗ trợ theo Nghị Quyết 68 và các chính sách hỗ trợ khác cần đẩy nhanh tiến độ để người lao động được hưởng các chính sách này do hiện nay số lượng người lao động đã nhận hỗ trợ còn rất hạn chế do thời gian giãn cách quá dài. Điều quan trọng nữa để DN tái sản xuất an toàn là bố trí các nguồn lực để tái sản xuất, làm tốt công tác phòng dịch và có kịch bản cụ thể cho các tình huống phát sinh đồng thời cần quan tâm đào tạo và đào tạo lại tay nghề trong trường hợp biến động lao động.

 

Tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, Bộ LĐ-TB&XH đã lắng nghe ý kiến của các DN, hiệp hội đã nêu ra và sẽ tiếp thu để hoàn thiện, từ đó đưa ra những giải pháp, chính sách trong thời gian tới.

 

“Trong nhiều tháng qua, người dân, DN ở 19 tỉnh, thành phía Nam đã bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Chúng tôi xin chia sẻ với chính quyền, nhân dân, người lao động, công nhân ở 19 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có TP.HCM. Chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà 18 triệu lao động ở 19 tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 gặp phải. Trong số này, những người bị ảnh hưởng về việc làm chiếm 2/3, chỉ có 1/3 lực lượng lao động có việc làm ổn định do DN đáp ứng được yêu cầu 3 tại chỗ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nói.

 

Theo Thứ trưởng, từ ngày 22/8 đến nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ người dân và DN như Nghị quyết 42 gói 62.000 tỉ đồng; Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đưa ra gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Tổng 4 gói mà Chính phủ đã hỗ trợ người dân và DN là khoảng 10,2 tỉ USD, tương đương 2% GDP. Đây là những chính sách rất kịp thời. Ngoài ra hỗ trợ 135.000 tấn gạo cho các tỉnh, thành phía Nam. TP.HCM cũng đã tung ra các gói hỗ trợ người dân, người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhiều DN, người dân chung tay cùng chính quyền để đảm bảo an sinh xã hội…

 

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh, sắp tới phải tiếp tục tiêm vắc-xin để sản xuất an toàn, thu hút lao động; cần xây dựng năng lực y tế đủ mạnh nhằm điều trị kịp thời các ca F0; cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc. Bên cạnh đó có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng cho người lao động. Đối với DN, cần có chế độ phúc lợi cũng như bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân. Giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác.

 

“Tăng cường đào tạo lại lao động là điều rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch. Chính sách an sinh là điều vô cùng quan trọng để giữ chân người lao động.” Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh.

 

Nguồn: baodansinh.vn - THÁI AN

Link: https://baodansinh.vn/tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-de-nguoi-lao-dong-tro-lai-lam-viec-20211001203838.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024882452

TRUY CẬP HÔM NAY: 345

ĐANG ONLINE: 6