Giải pháp cho 'cơn khát' thiếu nhân lực ngành công nghiệp hỗ trợ


Ngành công nghiệp hỗ trợ đang gặp một thách thức lớn, đó là thiếu hụt nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.


Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khát nhân lực có tay nghề

DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội rất lớn để kết nối, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Do vậy cần sớm hóa giải các thách thức về nguồn nhân lực, để sớm đạt mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, ngành này, cũng như nhiều ngành nghề khác, đang đứng trước khó khăn là thiếu nhân lực chất lượng cao. Bà Võ Thị Bích Thủy - Trưởng phòng Dịch vụ tư vấn và Tuyển dụng, Tập đoàn ManpowerGroup Việt Nam - cho biết, qua khảo sát, các doanh nghiệp (DN) sản xuất hầu hết đang gặp vấn đề về nhân sự. Đặc biệt, nhiều đơn hàng đổ về nhưng DN lo không đủ nhân công để thực hiện. Nguồn lao động vốn đã thiếu nay càng thiếu hơn sau cú sốc Covid-19 lần thứ tư.

 


Không chỉ lo thiếu lao động, nhiều DN công nghiệp hỗ trợ cũng đang rất “khát” nhân lực có tay nghề, kỹ năng để nâng cao năng suất. Theo khảo sát của Falmi (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh) trong quý III/2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của DN công nghiệp hỗ trợ qua đào tạo chiếm hơn 85%, song nguồn cung lại có sự chênh lệch nghiêm trọng so với nhu cầu. Cụ thể, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc trong quý III/2021 thì số lượng lao động có trình độ nghề sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chỉ chiếm hơn 38%.

Trên thực tế, tình trạng “khát” nhân lực chất lượng cao tại DN công nghiệp hỗ trợ đã diễn ra nhiều năm. Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam - bà Đỗ Thị Thúy Hương - thông tin, khi tuyển dụng, hầu hết DN điện tử đều phải đào tạo lại nhân sự. Với công nhân phải mất từ 2-4 tuần đào tạo chuyên môn rồi mới đưa vào dây chuyền sản xuất, còn với kỹ thuật viên cao cấp phải đưa đi nước ngoài đào tạo hoặc đào tạo bổ sung trong suốt quá trình làm việc.

Giải “bài toán” nhân lực

Về lâu dài, để đáp ứng cho sự tăng trưởng của ngành công nghiệp hỗ trợ, chất lượng lao động cần phải được nâng lên để thu hút được hợp đồng sản xuất cũng như các nhà đầu tư. Còn về trước mắt, để giải “bài toán” nhân lực phục hồi sản xuất cho DN trong thời kỳ bình thường mới, cần đến sự vào cuộc từ nhiều phía, các cơ quan bộ, ngành; đặc biệt là cần sự tích cực hợp tác giữa các cơ sở đào tạo và các DN.

Chia sẻ về hỗ trợ nhân lực cho các DN sản xuất, bà Lê Nguyễn Duy Oanh - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh (CSID) – khẳng định, CSID sẽ tiếp tục triển khai hoạt động đào tạo cải tiến nhà máy cùng chuyên gia dự án SCORE để đào tạo nguồn nhân lực về cải tiến tại nhà máy; tiến hành đánh giá năng lực cung ứng tại nhà máy cho DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhỏ và vừa. Ngoài ra, CSID sẽ phối hợp triển khai Chương trình đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho ngành cơ khí chế tạo khuôn mẫu cho các DN nhỏ và vừa của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Văn - Trưởng khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng – chia sẻ, đẩy mạnh đào tạo gắn liền với DN là chủ trương xuyên suốt của đơn vị. Với sự hợp tác chặt chẽ với hơn 200 DN đã giúp cho các chương trình đào tạo của nhà trường được cải tiến liên tục, nhờ đó thời gian qua đã có hàng trăm DN tuyển dụng lao động tốt nghiệp từ trường.

 

Nguồn: vavet.vn

Link: https://vavet.vn/giai-phap-cho-con-khat-thieu-nhan-luc-nganh-cong-nghiep-ho-tro-n19060.html

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024875714

TRUY CẬP HÔM NAY: 748

ĐANG ONLINE: 23