Chủ tịch Phan Văn Mãi báo tin vui: Ước tính TP.HCM tăng trưởng 5,87% trong quý 2


Theo ông Phan Văn Mãi, dự kiến quý 2-2023 thành phố tăng trưởng 5,87%, trong khi quý 1 chỉ đạt 0,7%. Như vậy, nếu tính cả 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM tăng trưởng 3,55%.

 

Ông Phan Văn Mãi - Ảnh: GIA HÂN
 

Tính 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM tăng trưởng 3,55%


Chiều 30-5, trước khi nêu ý kiến tại buổi họp ở tổ Quốc hội, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thông báo tin vui từ Tổng cục Thống kê thông báo tăng trưởng trong quý 2-2023 của thành phố tới các đại biểu Quốc hội.

Cụ thể, dự kiến trong quý 2-2023, thành phố tăng trưởng 5,87%, trong khi đó quý 1 chỉ đạt 0,7%. Như vậy, nếu tính cả 6 tháng đầu năm 2023, TP.HCM tăng trưởng 3,55%.

Ông Mãi cho hay trong quý 2-2023, tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,77%. Tính cả 6 tháng đầu năm khu vực này của TP.HCM tăng 0,8% (quý 1-2023, khu vực này tăng trưởng âm).

Riêng khu vực dịch vụ của TP.HCM trong quý 2-2023 tăng 7,16%. Tính cả 6 tháng khu vực này tăng 4,96%.

“Đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố, cùng với sự quan tâm của Chính phủ, cơ quan trung ương và các bộ ngành. Kết quả này là rất vui", ông Mãi nêu rõ.

Nói thêm về cơ chế đặc thù cho TP.HCM, ông Phan Văn Mãi nêu rõ lần này các cơ chế chính sách tập trung khơi thông các nguồn lực xã hội.

Nguồn lực đầu tư xã hội thông qua các hình thức PPP, BOT, BT… hay các cơ chế giúp TP.HCM huy động các nguồn lực qua phát hành trái phiếu…

"Nếu làm tốt, tôi tin rằng TP.HCM trong 5 năm tới sẽ huy động được hàng trăm ngàn tỉ đồng cho đầu tư phát triển", ông Mãi nói.

Ông chỉ rõ trong nghị quyết này, cơ chế chính sách về phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là tiềm lực rất to lớn và có thể chưa đo đếm được kết quả đó.

"Nếu làm tốt, đây sẽ trở thành động lực mới của TP và đất nước…", ông Mãi nói thêm.

Cùng với đó, phân quyền, tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động về nhân sự cho TP.HCM và TP Thủ Đức, để TP chủ động hơn, giải quyết các vấn đề nhanh gọn, hiệu quả hơn.

Chủ tịch TP.HCM chỉ rõ rút kinh nghiệm từ triển khai nghị quyết 54, thành phố đã chủ động tham mưu xây dựng nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện và phối hợp với các bộ ngành xây dựng thông tư, hướng dẫn để triển khai.

Thành phố ì ạch sẽ kéo các tỉnh cũng ì ạch


Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chia sẻ như vậy tại phiên thảo luận tổ về dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế đột phá phát triển TP.HCM (tạm gọi nghị quyết đột phá phát triển TP.HCM), chiều 30-5.

Nói về sự cần thiết của nghị quyết đột phá phát triển TP.HCM, ông Hòa nhìn nhận nghị quyết 54 hiện chưa có những chính sách, cơ chế thật sự vượt trội, đột phá như những quy định đưa vào dự thảo các luật.

Việc có nghị quyết mới đủ tạo động lực mạnh cho TP phát triển hết sức cần thiết.

“Chúng tôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là một vùng có nhiều lệ thuộc vào sự phát triển của TP.HCM.

Nếu TP phát triển sẽ có động lực, lôi kéo các tỉnh trong vùng phát triển. Còn TP ì ạch sẽ kéo các tỉnh cũng ì ạch. TP suy yếu, suy dinh dưỡng, các nơi cũng suy yếu theo”, ông Hòa chia sẻ.

Nói sâu hơn về nội dung, ông Hòa thống nhất dự thảo đưa vào cơ chế cho TP phát triển mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Đây là mô hình mới sẽ giúp tạo quỹ đất nuôi cơ sở hạ tầng.

Dù vậy, ông Hòa đề nghị, nếu Quốc hội thông qua, TP phải tổ chức thực thi đảm bảo lợi ích hài hòa của người dân.

“Mô hình mới này khi làm sẽ phải thu hồi đất của dân để đấu giá, do vậy cần phải cân nhắc cách làm để sao lợi ích người dân được đảm bảo”, ông Hòa nêu.

Cũng ý kiến thảo luận, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay nhiều ý kiến TP.HCM "đang trong chiếc áo quá chật, cần nới ra ngay để thành phố phát triển".

Vì thế, các chính sách thiết kế tại dự thảo nghị quyết đưa ra nhằm giúp TP.HCM có thêm nguồn lực, tự chủ, phân cấp phân quyền và giúp thành phố phát triển mạnh mẽ, xứng tầm.

Ông Dũng cũng nhìn nhận nhiều chính sách cho TP.HCM được đưa ra nhưng chưa trọng tâm, chưa đủ mạnh và đột phá.

Ông dẫn ý kiến một số đại biểu cho rằng nếu cần nguồn lực, tại sao không tập trung ngay cho TP.HCM vay ODA khoảng 10 - 20 tỉ USD làm các công trình lớn trọng điểm, có quản lý, giám sát.

Bởi việc đó sẽ mang lại thay đổi, hiệu quả, tác động ngay và thành phố có khả năng trả nợ. Cho rằng đây là ý kiến đáng suy nghĩ, ông Dũng nói sẽ tiếp thu, cùng TP.HCM nghiên cứu để đưa ra chính sách đủ mạnh, thuyết phục hơn.

Nguồn: tuoitre.vn

https://tuoitre.vn/chu-tich-phan-van-mai-bao-tin-vui-uoc-tinh-tp-hcm-tang-truong-5-87-trong-quy-2-20230530185506086.htm?gidzl=YTC72pe8_H-7oW8AEnFv6O_C3Wmb4lGOayODNoL8yX_3bGGBVqhy7P-NKref7wnFcyS7MpU4xCuZFmxm6G

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024912299

TRUY CẬP HÔM NAY: 6206

ĐANG ONLINE: 55