Tăng cường bảo vệ sức khỏe người lao động
Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe người lao động là chính sách kinh tế - xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Thanh niên
Mới đây, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 31-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới, tiếp tục phát huy thành tựu sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Những kết quả đạt được
Một trong những thành tựu nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW - Chỉ thị đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực ATVSLĐ, là kim chỉ nam xuyên suốt định hướng cho công tác ATVSLĐ ở các cấp, đó là sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, người lao động về công tác ATVSLĐ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, hệ thống pháp luật về ATVSLĐ đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp với các quy định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Quốc hội đã thông qua 2 bộ luật, 2 luật liên quan đến ATVSLĐ, trong đó năm 2015, Quốc hội thông qua Luật ATVSLĐ. Luật ATVSLĐ thay đổi cơ bản về cách tiếp cận, lấy phòng ngừa làm nguyên tắc cơ bản, đồng thời mở rộng sang cả khu vực đối với người không có quan hệ lao động.
Từ năm 2013 đến 2023, Chính phủ đã ban hành 17 nghị định (trong đó có 8 nghị định liên quan đến an toàn lao động (ATLĐ) trong các lĩnh vực đặc thù), các bộ ban hành 135 thông tư (trong đó có 30 thông tư liên quan đến ATLĐ trong lĩnh vực đặc thù). Các địa phương đã ban hành nghị quyết và các quyết định và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Theo báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, trong 10 năm, đã có khoảng 50.000 số lượng tin, bài, cuộc phổ biến, tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã in ấn, phát hành 51.438.143 tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, tranh, áp phích tuyên truyền; 33.500 cuốn sổ tay an toàn vệ sinh tới người lao động; 59.826 bản tin, phóng sự, tọa đàm, hội thảo, phỏng vấn, tin bài về ATVSLĐ.
Trung bình mỗi năm, các bộ, ngành Trung ương tổ chức đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ khoảng trên 10.000 lớp, sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố đã tổ chức trên 46.000 lớp đào tạo, huấn luyện ATVSLĐ cho hàng triệu người lao động không có quan hệ lao động. Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn đã tổ chức 191.481 lớp tập huấn cho 12.977.110 lượt người lao động.
Từ năm 2013 đến nay, ở cấp Trung ương đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho khoảng 20.000 người làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, người làm công tác ATVSLĐ trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn.
Giai đoạn 2013-2023, đã có hơn 2.000 đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ về ATVSLĐ được triển khai tại các bộ, ngành, Trung ương; hơn 266.000 đề tài triển khai trong hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; gần 3.000 đề tài triển khai tại các địa phương. Có những đề tài có hướng tiếp cận hiện đại, phù hợp với triết lý quản lý ATVSLĐ mới. Công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ được quan tâm từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương. Qua 10 năm, đã có hơn 51.000 cuộc thanh tra, kiểm tra cùng hơn 313.000 kiến nghị về ATVSLĐ.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đã có sự chuyển biến rõ rệt. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên có sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương. Công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động đã được quan tâm, chú trọng. Các cơ quan Trung ương, địa phương đã chủ động, tăng cường hợp tác, trao đổi chuyên gia, kỹ thuật ATVSLĐ với nhiều nước, các tổ chức quốc tế.
An toàn lao động là lĩnh vực rất rộng, không chỉ là điều kiện làm việc của người lao động mà còn là vấn đề tiết kiệm trong sử dụng nguyên liệu; vấn đề khám sức khỏe định kỳ, phòng ngừa các nguy cơ rủi ro liên quan đến tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; bảo đảm quản lý hồ sơ của người lao động ngay từ đầu vào…
So với năm 2022, tình hình tai nạn lao động năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, cụ thể: tai nạn lao động chết người giảm 8,06% số vụ (662 vụ, giảm 58 vụ), giảm 7,29% số người chết (699 người, giảm 50 người); giảm 4,2% số vụ tai nạn (324 vụ); giảm 4,7% số người bị tai nạn lao động (giảm 370 người).
Năm 2023, bảo hiểm giải quyết mới cho 7.326 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tai nạn giao thông được hưởng chế độ tai nạn lao động. Trong đó, có 2.190 trường hợp hàng tháng và 5.136 trường hợp một lần. Số lượt người được huấn luyện ATVSLĐ khoảng trên 5 triệu người và trên 3,5 triệu thiết bị được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Các hoạt động thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ được tăng cường. Tổ chức tư vấn cải thiện điều kiện ATVSLĐ cho doanh nghiệp, các hộ gia đình được đẩy mạnh... đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động.
Tăng cường bảo đảm ATVSLĐ trong tình hình mới
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp chưa coi công tác an toàn, vệ sinh lao động là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; nguồn lực đầu tư cho công tác ATVSLĐ chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế; ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của nhiều người lao động còn chủ quan, lơ là…
Hiện nay, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại. Năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỉ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động.
Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển khoa học công nghệ, xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0,… công tác ATVSLĐ đòi hỏi nắm bắt được cơ hội thay đổi công nghệ nhưng cũng phải chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về ATVSLĐ, cập nhật phù hợp với các công ước, điều ước, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng người lao động có kỹ năng lao động, tác phong làm việc công nghiệp, ý thức kỷ luật lao động theo xu hướng công nghiệp hiện đại, đồng thời chú trọng chăm sóc sức khỏe cho người lao động để thích ứng với những thay đổi trong tình hình mới.
Trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; với quyết tâm cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao trong toàn bộ chuỗi cung ứng, góp phần triển khai thắng lợi các nghị quyết của Đảng, Chỉ thị số 31 ngày 19-3-2024 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ATVSLĐ trong tình hình mới đặt ra mục tiêu: Tỉ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%; số người làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%; số cơ sở phát hiện yếu tố có hại được quan trắc môi trường lao động tăng ít nhất 5%.
Để đạt được mục tiêu đề ra cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ đối với sức khỏe, tính mạng của người lao động và phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội và hội nhập quốc tế; hoàn thiện hệ thống pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; nâng cao chất lượng đơn vị tham mưu về công tác ATVSLĐ ở các cấp, các ngành; kết hợp chủ động phòng ngừa với phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giam sát; trách nhiệm người đứng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh con người.
Đồng thời, cần tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật, đổi mới, đa dạng hoá thông tin tuyên truyền, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, người lao động trong Tháng hành động ATVSLĐ và Tháng Công nhân hằng năm; tạo điều kiện cho người lao động trong khu vực không có quan hệ lao động được tiếp cận thông tin để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, chủ động phòng ngừa. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí vận động xây dựng văn hoá an toàn lao động trong hội viên, đoàn viên. Đẩy mạnh hoạt động đối thoại, thương lượng về bảo đảm ATVSLĐ và điều kiện làm việc, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, chú trọng chính sách phòng ngừa, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn… Tạo sự đồng thuận, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp góp phần thực hiện hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ.
Nguồn: xaydungdang.org.vn - Hồng Kiều
Các tin đã đưa
- NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2023 - 2028
- TỔ CHỨC HỘI NGHỊ SƠ KẾT GIỮA NHIỆM KỲ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI CHI BỘ TRUNG TÂM LẦN THỨ III, NHIỆM KỲ 2020 – 2025
- “Tết sum vầy – Xuân tri ân” năm 2023, trao tặng quà đến đoàn viên và người lao động tại Trung tâm
- SINH HOẠT CHUYÊN ĐỀ QUÝ 3/2022
- Chi bộ FALMI tổ chức “Sinh hoạt chuyên đề Quý II năm 2022”