Hướng nghiệp thế nào cho đúng?
Hướng nghiệp cho người trẻ tuổi là một hoạt động quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp lên số lượng và chất lượng của lực lượng lao động trong tương lai, có thể coi như một quá trình quy hoạch xã hội. Trên thế giới, việc hướng nghiệp được thực hiện rất cầu kỳ.
Tessa Wall là giáo viên ở Trường trung học Pagford nhưng bà không giảng dạy. Bà có một văn phòng riêng để tiếp học sinh. Ở đó, Tessa chịu áp lực hơn bất cứ giáo viên đứng lớp nào: thường xuyên phải tiếp đón những đứa trẻ đang ở độ tuổi nổi loạn, kìm nén cơn giận dữ, cố gắng thấu hiểu từng đứa một để ân cần đưa ra cho chúng những lời khuyên.
Tessa là khách quen của phòng khám vì sự suy nhược.
Tessa Wall là giáo viên ở Trường trung học Pagford nhưng bà không giảng dạy. Bà có một văn phòng riêng để tiếp học sinh. Ở đó, Tessa chịu áp lực hơn bất cứ giáo viên đứng lớp nào: thường xuyên phải tiếp đón những đứa trẻ đang ở độ tuổi nổi loạn, kìm nén cơn giận dữ, cố gắng thấu hiểu từng đứa một để ân cần đưa ra cho chúng những lời khuyên.
Tessa là khách quen của phòng khám vì sự suy nhược.
Cần xem hướng nghiệp là công tác quan trọng
Để thật sự “tự chấm điểm”
Những ai đã đọc tiểu thuyết Khoảng trống (The Casual Vacancy) của nữ văn sĩ J. K. Rowling sẽ khó tránh được sự thương cảm dành cho người phụ nữ ấy. Trong tác phẩm, bất chấp bối cảnh chính là một cuộc đấu tranh chính trị phức tạp, với các nhân vật đủ mọi ngành nghề, Tessa Wall - nhân vật nhỏ bé nhất trong tác phẩm - lại hiện lên như người chịu nhiều áp lực công việc nhất. Bà là một nhà tư vấn và hướng nghiệp.
Việc tư vấn hướng nghiệp ở Anh và nhiều nước phương Tây được thực hiện một cách kỳ công, với những nhân viên chuyên nghiệp thuộc biên chế của các trường. Ở đó, từ lứa tuổi trung học, hoặc thậm chí nhỏ hơn, đã có nhà tư vấn tìm hiểu thói quen, sở thích, sở trường của từng em để đưa ra những lời khuyên về tương lai. Một công việc nghiêm túc và căng thẳng.
Quy trình hướng nghiệp không dừng lại ở những lời khuyên của các chuyên gia có kinh nghiệm, mà còn được hỗ trợ bởi một cơ sở dữ liệu khổng lồ.
Vài năm trước, Chính phủ Anh yêu cầu các trường đại học ở nước này công bố mức lương trung bình của các cựu sinh viên đã tốt nghiệp. Sau khi ra trường, trung bình những người họ đào tạo kiếm được bao nhiêu nghìn bảng mỗi năm, hoạt động có đúng nghề hay không, các trường có nhiệm vụ tự điều tra và báo cáo.
Đó là một quá trình “tự chấm điểm” nghiêm khắc nhất với các trường đại học bởi ngoài những yếu tố khó so sánh như cơ sở hiện đại, đội ngũ giáo viên chất lượng, điều quan trọng nhất của tấm bằng mà họ cấp vẫn là nó cho phép người ta kiếm được bao nhiêu tiền. Những thông tin này nhanh chóng trở thành mỏ vàng của báo chí, phụ huynh và các bạn trẻ sắp tốt nghiệp phổ thông dễ dàng tiếp cận.
Một phương pháp hướng nghiệp chặt chẽ
Sẽ không có những mệnh đề mơ hồ kiểu “trường này tốt, trường kia khó xin việc”. Mọi thứ được cụ thể hóa bằng những con số: Đại học Oxford, trung bình mức lương khi ra trường là 24.773 bảng/năm; Đại học Cambridge, trung bình 24.926 bảng/năm; Trường kinh tế London, 28.969 bảng/năm, rõ đến từng đồng bảng.
Những cuộc phân tích không dừng lại ở đó. Học trường nào là một vấn đề, nhưng học ngành gì, xã hội đang thiếu lao động trong lĩnh vực nào cũng là thông tin được cập nhật cẩn thận.
Chính phủ Úc thậm chí cập nhật tình trạng lao động trong cả nước mỗi tháng một lần, trong đó có danh sách những nghề nghiệp mà xã hội đang thiếu (và đôi lúc đi kèm với chính sách học bổng nếu theo ngành đó). Những thông tin ấy nhằm tránh tình trạng người ta có thể đổ xô học một “ngành hot” theo phong trào, dẫn đến sự thừa mứa không thể cứu vãn.
Bên cạnh các cơ quan chính phủ và các trường, các công ty và tổ chức xã hội cũng tham gia quá trình tư vấn hướng nghiệp một cách thực tiễn. Trên website của hãng tư vấn nhân sự Pay Scale của Mỹ, dễ dàng tìm được thống kê chi tiết về triển vọng sự nghiệp của hàng trăm trường đại học tại nước này.
Ở đó người ta biết rằng một sinh viên khi mới tốt nghiệp Đại học Princeton danh giá sẽ có mức lương khởi điểm 56.000 USD/năm, đến giữa sự nghiệp trung bình sẽ kiếm được 121.000 USD/năm, nhưng lại chỉ có 46% sinh viên trường này được làm những công việc đúng ngành nghề.
Nếu theo học một trường quân sự, như Học viện Không quân Hoa Kỳ (USAFA), thu nhập ở giữa sự nghiệp thấp hơn một chút: 109.000 USD/năm, nhưng có tới 72% sinh viên khi ra trường có việc làm đúng ngành - một đặc trưng của các trường quân sự.
Và cuối cùng, một trong những điều quan trọng nhất nhưng thường xuyên bị bỏ quên trong những chương trình hướng nghiệp là mô tả nghề nghiệp.
Thật ra, bạn vẫn có thể tìm thấy những thống kê (dù không chi tiết) về tình hình lao động tại Việt Nam, mức lương trung bình. Nhưng sau khi biết rằng xã hội đang thiếu nghề “kiểm toán viên” chẳng hạn, làm sao để các bạn trẻ biết rằng nghề đó đòi hỏi điều gì, có phù hợp với mình không?
Tờ The Guardian, một trong những nhật báo lớn nhất nước Anh, có một chuyên trang mô tả nghề nghiệp. Ở đó là những câu chuyện chi tiết về nghề nghiệp, từ nhà thám hiểm đại dương, hướng dẫn viên du lịch Nam Cực cho đến y tá trực xe cấp cứu để các bạn trẻ hình thành khái niệm về các nghề trong xã hội.
Hẳn nhiên, ngoài giá trị lựa chọn thì những bài viết như thế còn có thể cấy lên những ước mơ và hoài bão, điều mà người trẻ nào cũng thật sự cần.
Đức Hoàng
Nguồn tin: Tuổi Trẻ