Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035


            Theo Quyết định số 879/QĐ-TTg ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 có những nội dung chủ yếu sau:

Quan điểm.

          Phát triển ngành công nghiệp trên cơ sở huy động hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế; khuyến khích phát triển khu vực kinh tế dân doanh và đầu tư nước ngoài. Phát triển các ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên; trọng tâm trước mắt là công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, trên  cơ sở nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ tiên tiến, lấy cạnh tranh là động lực phát triển. Khai thác các lợi thế sẵn có và cơ hội quốc tế; gắn kết sản xuất với dịch vụ, thương mại, chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất công nghiệp thế giới. Chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia. Phát triển công nghiệp trên cơ sở tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

Chiến lược phát triển công nghiệp.

          Huy động hiệu quả mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế trong nước và từ bên ngoài để phát triển, tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp có kỹ năng, có kỷ luật, có năng lực sáng tạo; Ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành, các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh và công nghệ hiện đại, tiên tiến ở một số lĩnh vực chế biên nông, lâm, thủy sản, điện tử, viễn thông, năng lượng mới và tái tạo, cơ khí chế tạo và hóa dược; Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp hợp lý nhằm phát huy sức mạnh liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

          Các nhóm ngành công nghiệp lựa chọn ưu tiên phát triển như sau:

          a) Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo:

              - Nhóm ngành cơ khí và luyện kim: giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm gồm: máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp, ô tô và phụ tùng cơ khí, thép chế tạo. Sau năm 2025, ưu tiên các nhóm ngành, sản phẩm: đóng tàu, kim loại màu và vật liệu mới.

          - Nhóm ngành hóa chất: giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên hóa chất cơ bản, hóa dầu và sản xuất linh kiện nhựa - cao su kỹ thuật. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển nhóm ngành hóa dược.

          - Nhóm ngành chế biến nông, lâm, thủy sản: giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy hải sản chủ lực và chế biến gỗ phù hợp với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quá trình sản xuất, chế biến nông sản, xây dựng thương hiệu và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

            - Nhóm ngành dệt may, da giày: giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên sản xuất nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Sau năm 2025, ưu tiên sản xuất sản phẩm quần áo thời trang, giày cao cấp.

          b) Ngành điện tử và viễn thông: giai đoạn đến năm 2025, ưu tiên phát triển sản phẩm thiết bị máy tính, điện thoại và linh kiện. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế.

          c) Ngành năng lượng mới và năng lượng tái tạo: giai đoạn đến năm 2025, thúc đẩy phát triển các dạng năng lượng mới và năng lượng tái tạo như: gió, mặt trời, biomass. Sau năm 2025, phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, ưu tiên phát triển các dạng năng lượng tái tạo như địa nhiệt, sóng biển…

Mục tiêu.

          Mục tiêu tổng quát: Đến năm 2025, công nghiệp Việt Nam phát triển với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ, có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số chuyên ngành, lĩnh vực, có khả năng đáp ứng cơ bản các yêu cầu của nền kinh tế và xuất khẩu; đội ngũ lao động có đủ trình độ đáp ứng nhu cầu của nền sản xuất hiện đại.

          Đến năm 2035, công nghiệp Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và năng suất cao, chủ động trong các khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo.

          Mục tiêu cụ thể:

          Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 6,5 – 7,0%/năm; giai đoạn 2021 – 2025 đạt 7,0 – 7,5%/năm và giai đoạn 2026 – 2035 đạt 7,5 – 8,0%/năm.

            Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn đến năm 2020 đạt 12,5 – 13,0%/năm; giai đoạn 2021 – 2025 đạt 11,0 – 12,5%/năm và giai đoạn 2026 – 2035 đạt 10,5 – 11,0%/năm.

            Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 42 – 43%, năm 2025 chiếm 43 – 44% và năm 2035 chiếm 40 – 41% trong cơ cấu kinh tế cả nước. Tỷ trọng hàng công nghiệp xuất khẩu / tổng kim ngạch xuất khẩu đến năm 2025 đạt 85 – 88%, sau năm 2025 đạt trên 90%. Giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 đạt khoảng 45% tổng GDP, sau năm 2025 đạt trên 50%.

            Chỉ số ICOR công nghiệp giai đoạn 2011 – 2025 đạt 3,5 – 4,0%; giai đoạn 2026 – 2035 đạt 3,0 – 3,5%. Hệ số đàn hồi năng lượng / GDP năm 2015 đạt 1,5; năm 2020 đạt 1,0 và đến năm 2035 duy trì ở mức 0,6 – 0,8 tiệm cận với các quốc gia trong khu vực. Tỷ lệ phát thải khí nhà kính ngành công nghiệp gia tăng bình quân trong khoảng 4 – 4,5%/năm.

Định hướng.

            a) Đến năm 2025: Từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nhóm sản phẩm cơ khí, hóa chất, điện tử viễn thông phục vụ sản xuất công nghiệp, tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu.

            Tăng cường phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, chú trọng công nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng. Từng bước phát triển công nghiệp vật liệu mới và công nghiệp môi trường. Tăng cường phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp mô hình liên kết ngang và liên kết dọc.

            Điều chỉnh phân bố không gian công nghiệp, đảm bảo phù hợp giữa các vùng trên cả nước, giải quyết  tình trạng mật độ công nghiệp cao ở một số khu vực, bảo đảm cân đối và hài hòa giữa các vùng và địa phương. Phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên tại các vùng công nghiệp lõi được hình thành từ mỗi vùng kinh tế trọng điểm và các khu kinh tế ven biển. Chuyển dịch các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, công nghiệp sơ chế, công nghiệp hỗ trợ từ các vùng công nghiệp lõi sang các vùng công nghiệp đệm.

            b) Đến năm 2035: Công nghiệp Việt Nam phát triển thân thiện với môi trường, công nghiệp xanh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có công nghệ tiên tiến, các sản phẩm của công nghiệp có thương hiệu uy tín, có chất lượng và giá trị cao, mang tính khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng tiêu chuẩn của các nước phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu./.

                                                                                        Thái Chuyên

Nguồn: longan.gov.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000025853890

TRUY CẬP HÔM NAY: 814

ĐANG ONLINE: 11