Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, lao động tự do được lợi gi?


Theo Nghị định 143/2024/NĐ-CP ngày 1-11-2024 của Chính phủ, từ 1-1-2025, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, chẳng hạn như lao động tự do, tài xế xe ôm công nghệ, xe ôm truyền thống… có thể được hưởng trợ cấp tai nạn lao động (TNLĐ) khi tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.
 
Khi tham gia, nếu không may bị TNLĐ, người tham gia được giám định mức suy giảm khả năng lao động. Đồng thời, đối với trường hợp bị suy giảm 5% khả năng lao động trở lên, ngoài mức trợ cấp một lần, người lao động còn được hưởng khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. Trường hợp người lao động mất vì TNLĐ, thân nhân được nhận trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
 
Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, lao động tự do được lợi gi?- Ảnh 1.
Từ ngày 1-1-2025, tài xế xe ôm, lao động tự do... được tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
 
Để tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, người lao động nộp tờ khai tham gia BHXH cho cơ quan BHXH. Trong đó có các thông tin cụ thể về nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc. Trường hợp có thay đổi về nghề, công việc, thời gian và nơi làm việc thì thực hiện khai báo điều chỉnh thông tin (theo quy định tại Điều 15 của Nghị định này).
 
Khi nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký tham gia theo quy định cơ quan BHXH có trách nhiệm cấp sổ BHXH cho người lao động trong thời hạn 7 ngày đối với người tham gia BHXH tự nguyện lần đầu; 15 ngày đối với trường hợp cấp lại sổ BHXH; trường hợp quá trình xác minh thời gian đóng BHXH phức tạp thì không quá 45 ngày. Trường hợp không cấp thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
 
Để hưởng chế độ trợ cấp khi bị TNLĐ, người lao động hoặc thân nhân người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH đã đăng ký tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện. 
 
Hồ sơ gồm: Sổ BHXH; Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị TNLĐ đối với trường hợp nội trú; Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; Biên bản điều tra TNLĐ; Bản chính hóa đơn, chứng từ hợp pháp liên quan về phí giám định suy giảm khả năng lao động; Đơn đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ của người lao động hoặc thân nhân trong trường hợp người tham gia chết; Bản sao giấy chứng tử, trích lục khai tử hoặc giấy báo tử hoặc bản sao quyết định tuyên bố là đã chết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp chết do TNLĐ;
 
Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, lao động tự do được lợi gi?- Ảnh 2.
Tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện giúp người lao động an tâm hơn khi làm việc
 
Thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ là 30 ngày, kể từ ngày nhận được Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; 90 ngày kể từ ngày người lao động đang đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện bị chết.
 
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm TNLĐ cho người lao động. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản cho người nộp hồ sơ và nêu rõ lý do.
 
Khi xảy ra TNLĐ, người lao động hoặc thân nhân phải báo ngay với UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn theo mẫu khai báo TNLĐ (quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này) để cơ quan chức năng thực hiện điều tra, lập biên bản TNLĐ.
 
Trường hợp người lao động bị TNLĐ trong quá trình tham gia giao thông thì cơ sở để đoàn điều tra TNLĐ tiến hành xác minh, lập biên bản điều tra tai nạn là hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông; Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã (hoặc của chính quyền địa phương) nơi xảy ra tai nạn (theo mẫu văn bản xác nhận quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Nghị định này).

 

Nguồn: nld.com.vn - Mai Chi

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000026509542

TRUY CẬP HÔM NAY: 804

ĐANG ONLINE: 38