Cần đồng bộ trong hướng nghiệp
Hiện nay công tác hướng nghiệp còn quá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, thiếu lực lượng hướng nghiệp viên, thiếu tài liệu… Các yếu tố nào cần thiết tác động, thay đổi sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ nhằm tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành cần quan tâm nhất hiện nay?
Tư vấn hướng nghiệp là một công đoạn quan trọng trong công tác hướng nghiệp, là hoạt động giúp cho học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp (định hướng hoặc tìm chọn chuyển nghề) trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân và nắm được định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu nhân lực của địa phương, đất nước trong từng thời kỳ.
Hiện nay, thông tin về thị trường lao động chưa được thực hiện đồng bộ, nguồn thông tin còn ít chưa thể hiện cân đối nhân lực từng tỉnh, thành, vùng, miền. Công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông do thiếu đội ngũ cán bộ giáo viên am hiểu tâm lý học nghề nghiệp, cũng như chưa hiểu hết nhu cầu lao động các ngành nghề ở các khu công nghiệp gây trở ngại cho công tác hướng nghiệp phân luồng. Hệ thống trường nghề, trường trung cấp hiện nay chưa hấp dẫn người học, ngành nghề đào tạo chưa đa dạng để học sinh lựa chọn. Các trường chưa thực sự liên kết với các trường phổ thông để giới thiệu về chương trình đào tạo, cơ hội tham gia thị trường lao động. Do vậy, phải định hướng sự chú ý, kích thích sự hứng thú của học sinh, sinh viên vào những ngành nghề kinh tế-xã hội của địa phương và cả nước cần phát triển; giúp học sinh, sinh viên tự đánh giá và kiểm nghiệm năng lực bản thân, sở trường, điều kiện để học nghề và tham gia thị trường lao động một cách tích cực phù hợp. Có 5 vấn đề trọng tâm, học sinh mong muốn được hướng nghiệp: ngành nghề, xu hướng việc làm của thị trường lao động; định hướng về sở thích, sở trường nghề nghiệp; các quy định thi tuyển, xét tuyển đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; chọn ngành, chọn trường phù hợp năng lực học và điều kiện kinh tế gia đình; giới thiệu về các trường và ngành đào tạo, chuẩn đầu ra và khả năng việc làm sau khi tốt nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy để công tác hướng nghiệp đạt hiệu quả cao, phải có sự kết hợp đồng bộ của 8 nhóm đối tượng: cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và lao động - việc làm; các hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp, các đoàn thể; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề; các doanh nghiệp, tổ chức sử dụng lao động; các cơ quan nghiên cứu nhân lực dự báo nhu cầu, thông tin thị trường lao động, cung ứng việc làm; các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở; cơ quan truyền thông; phụ huynh, học sinh, lực lượng lao động. Công tác hướng nghiệp cần được xác định đối với học sinh đang học các lớp trung học phổ thông và cần mở rộng đối với học sinh trung học cơ sở vì nhiều em sẽ không chuyển tiếp cấp 3 mà chuyển sang học nghề sơ cấp hoặc trung cấp. TRẦN ANH TUẤN Nguồn: sggp.org.vn
Phó Giám đốc Trung tâm
Dự báo nhu cầu nhân lực
và Thông tin thị trường lao động TPHCM
Các tin đã đưa
- DỰ BÁO NGUỒN NHÂN LỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020 – 2025
- KHOA HỌC DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC
- HTV9 ĐƯA TIN BUỔI LÀM VIỆC CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN ĐẾN LÀM VIỆC TẠI TRUNG TÂM DBNCNL & TTTTLĐ
- VTV9 ĐƯA TIN BUỔI LÀM VIỆC CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN ĐẾN LÀM VIỆC TẠI TRUNG TÂM DBNCNL & TTTTLĐ
- VTV1 PHÓNG SỰ HOẠT ĐỘNG DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC & THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM