Thị trường lao động năm 2017 sẽ như thế nào?


Với những tín hiệu tích cực nửa cuối năm 2016, thị trường lao động trong năm 2017 hứa hẹn sẽ khởi sắc.

 

Những tháng cuối năm 2016, thị trường lao động có những chuyển biến tích cực như tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng; tỷ lệ việc làm trong ngành nông lâm thủy sản giảm, thu nhập của lao động làm công ăn lương tăng lên.

 

Quan sát quý III cho thấy, tăng trưởng kinh tế không tạo thêm nhiều việc làm, tỷ lệ lao động làm công hưởng lương giảm, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Song dự báo, bức tranh thị trường lao động năm 2017 có nhiều khởi sắc.

 

Thất nghiệp vẫn gia tăng

 

Thông tin từ Bộ LĐTBXH cho thấy, so với những tháng đầu năm, thất nghiệp đang gia tăng cả số lượng và tỷ lệ, nhất là ở nhóm thanh niên; người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

 

Thống kê quý III/2016 cho thấy, cả nước có gần 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29.000 người so với quý II/2016. Trong số những người thất nghiệp, 456.000 người có chuyên môn kỹ thuật; nhiều nhất ở các nhóm “trình độ đại học trở lên” (202.300 người), “cao đẳng chuyên nghiệp” (122.400 người) và “trung cấp chuyên nghiệp” (73.800 người). Số người thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) chiếm 22,6% tổng số người thất nghiệp.

 

Thị trường lao động năm 2017 sẽ như thế nào? - Ảnh 1

Người lao động tại một phiên giao dịch việc làm

 

Theo ông Nguyễn Toàn Phong, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, năm nay riêng Hà Nội dự báo có khoảng 36.000 – 37.000 người mất việc làm, tăng hơn so với năm ngoái (32.500 người). Đây là số lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, bị mất việc làm do tái cơ cấu nền kinh tế cũng như chuyển đổi mô hình doanh nghiệp.

 

Quý IV năm 2016, các chuyên gia dự báo kinh tế tiếp tục đà phục hồi, GDP tăng khoảng 7,1-7,3%. Nền kinh tế tiếp tục thu hút vốn FDI, xuất khẩu tăng, kiều hối đầu tư lớn vào sản xuất, doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh cả lượng và vốn… Những động lực cho tăng trưởng này sẽ tác động tích cực đến thị trường lao động những tháng cuối năm cũng như trong năm 2017.

 

Dự báo, cuối năm 2016, lực lượng lao động tiếp tục tăng nhẹ (0,2%), trong đó, lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật, có bằng cấp/chứng chỉ từ 3 tháng trở lên tăng 4-5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động sẽ giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn ở mức cao, trên 77%.

 

Số người có việc làm khoảng 53,7 triệu (tăng 0,7% so với quý III/2014); tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng nhẹ (chiếm 41,5%); tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông-lâm-thủy sản giảm nhẹ, còn khoảng 41,17%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước khoảng 2,2% trong quý IV/2016.

 

Hứa hẹn khởi sắc

 

Với những tín hiệu tích cực nửa cuối năm 2016, thị trường lao động trong năm 2017 hứa hẹn sẽ khởi sắc. Đặc biệt, năm 2016, phía Hàn Quốc tái mở cửa với thị trường lao động Việt Nam. Các công ty trong nước vì thế tiếp tục tuyển dụng xuất khẩu lao động sang thị trường này. Đây là tín hiệu vui đầu tiên về mảng xuất khẩu lao động.

 

Năm 2017, thị trường xuất khẩu lao động Trung Đông cũng được mở rộng. Đây là cơ hội tốt cho nhiều lao động giải quyết vấn đề việc làm trước mắt, đòi hỏi vốn ít, trình độ kỹ thuật thấp nên phù hợp với đa số đối tượng ở nông thôn.

 

Bên cạnh đó, thông tin từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/12, số doanh nghiệp thành lập mới trên toàn quốc là 110.100, tăng 16,2% so với năm 2015. Theo đánh giá, điều này hứa hẹn thị trường lao động nội địa sẽ đón nhận nhiều chuyển biến tích cực, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động.

 

Riêng TP HCM, theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, năm 2016, trên địa bàn TP HCM có 289.891 doanh nghiệp hoạt động, môi trường đầu tư càng được cải thiện, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh với 54.194 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Điều này có sự tác động tích cực đến thị trường lao động thành phố.

 

Theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM: Nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm có xu hướng tăng (36,85% so với quý III).  Dự kiến quý I/2017 có khoảng 69.000 chỗ làm việc trống (trong đó tháng 1: 20.000 chỗ làm việc, tháng 2: 20.000 chỗ làm việc và tháng 3: 29.000 chỗ làm việc). Trong đó, về trình độ lao động phổ thông chiếm 28%, sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 17%, trung cấp 20%, cao đẳng – đại học – trên đại học 35%.

 

Theo các chuyên gia, thị trường lao động sẽ tập trung “nóng” ở một số nhóm nghề như: Công nghệ thực phẩm, bưu chính – viễn thông – dịch vụ công nghệ thông tin, điện tử - cơ điện tử, công nghệ sinh học, cơ khí tự động hóa, dệt may – giày da, dịch vụ - phục vụ, y dược – chăm sóc sức khỏe, du lịch – nhà hàng – khách sạn, dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng, kinh doanh – bán hàng, hành chính văn phòng…

 

Thời điểm giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, xu hướng tuyển dụng nhiều lao động thời vụ ở các vị trí như: nhân viên đóng gói, bao bì sản phẩm, nhân viên phục vụ tại các hệ thống nhà hàng – các khu vui chơi giải trí, tiếp thị - quảng cáo sản phẩm, giao hàng nhanh, dịch vụ vận chuyển, chăm sóc cây cảnh, giúp việc nhà theo giờ… Đây là những lao động không đòi hỏi nhiều về kinh nghiệm.

 

Cũng theo Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM: Người lao động có nhu cầu ổn định công việc và đa số các doanh nghiệp thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt nên mức độ thiếu hụt lao động sau Tết không cao (dưới 3%), mức độ dịch chuyển lao động cũng ở mức 15%, thể hiện sự gắn kết cung – cầu thị trường lao động, đặc biệt sự phát triển ổn định và chăm lo chính sách lao động của các doanh nghiệp./. 

 

Theo Lại Thìn/VOV.VN

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000026510190

TRUY CẬP HÔM NAY: 1456

ĐANG ONLINE: 38