NÓI THẲNG: Học để làm chủ, thật không?


Với thực trạng đào tạo và tuyển dụng như hiện nay, làm “tớ” còn khổ chứ nói gì làm chủ!

 

Phát biểu tại diễn đàn “Đối thoại chính sách phát triển thanh niên” vừa được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Bộ Nội vụ phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói vẫn còn một bộ phận thanh niên sau khi tốt nghiệp ra trường chỉ muốn vào làm việc ở các cơ quan nhà nước nhưng với chủ trương tinh giản biên chế hiện nay thì việc này chắc chắn là ngày càng ít đi.

 

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nhắn nhủ thanh niên: "Chúng ta cần học để khởi nghiệp, học xong để làm chủ chứ không phải học để làm thuê và chỉ để vào làm việc ở các cơ quan nhà nước".

 

Tôi thiển nghĩ: Nếu thanh niên sau khi tốt nghiệp ra trường muốn vào làm việc ở các cơ quan nhà nước thì tốt quá đi chứ. Cần phải khuyến khích thanh niên, đặc biệt là sinh viên giỏi vào làm việc ở cơ quan nhà nước bởi chỉ có vậy thì bộ máy nhà nước mới có nhiều cơ hội để chọn người tài. Chắc Bộ trưởng quá rõ là rất nhiều sinh viên giỏi sau khi ra trường đã từ chối con đường lập nghiệp bằng việc vào cơ quan nhà nước, dù con đường ấy thênh thang rộng mở thậm chí là đặc ân của nhiều người, đơn giản vì họ biết khó sống nổi bằng đồng lương chân chính và cũng khó phát huy năng lực với cơ chế sử dụng nhân lực trong cơ quan nhà nước.

 

Cũng phải thấy là trong một thời gian dài, rất nhiều sinh viên không giỏi, thậm chí chưa kịp làm sinh viên đã chễm chệ vào cơ quan nhà nước để giành một suất biên chế, rồi không ít người trong số họ bỗng đùng một cái nhảy tót lên ghế lãnh đạo. Những trường hợp như thế nhiều lắm, nhiều đến độ cản trở người tài khiến cơ hội cho sinh viên giỏi như vào ngõ hẹp.

 

Bộ trưởng cho hay là Đảng, Nhà nước đã có quy định về tuyển dụng người tài, người giỏi vào bộ máy, đồng thời các cơ quan đơn vị cũng đang đẩy mạnh thực hiện việc tuyển dụng thông qua thi tuyển. Điều này đúng nhưng thưa bộ trưởng là quy định thì thế nhưng trên thực tế thì vẫn chưa đủ sức thu hút sinh viên giỏi, nên cần quyết liệt và công khai mạnh mẽ hơn nữa.

 

Lại nói về chuyện học để làm chủ. Cái này khó lắm. Có ai muốn học ra để làm tôi tớ đâu. Tuổi trẻ là chủ nhân tương lai đất nước kia mà. Nhưng muốn làm chủ mà kém quá thì làm sao nổi. Chắc bộ trưởng cũng biết trong một hội thảo về "Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học" do Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức gần đây, một số liệu khảo sát từ 500 doanh nghiệp tại TP HCM cho thấy có đến 94% trường hợp nhân viên mới (là sinh viên mới ra trường đi làm) cần được đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp. Trong đó, các nội dung cần đào tạo lại có 92% về nghiệp vụ chuyên môn, 61% về kỹ năng mềm cơ bản… mà nguyên nhân được chỉ rõ là do khâu đào tạo từ nhà trường theo lối kiến thức quá hàn lâm. Kiến thức hàn lâm là tốt nhưng sinh viên không biết vận dụng sự hàn lâm đó vào công việc thực tiễn.

 

Nói thế để thấy khi nói đến làm chủ thì chắc là ông muốn nói làm chủ bản thân, làm chủ kiến thức để chí ít là kiếm được công việc dù là doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước, không cần phải dựa dẫm vào "bàn tay kỳ diệu" nào đặt vào đấy và cũng không cần phải bắt cha mẹ bán trâu bán bò để chạy việc. Nhưng với thực trạng đào tạo hiện nay ở nước ta, hầu hết sinh viên ra trường muốn làm "tớ" cũng chưa ổn" thì làm "chủ" e khó lắm.

 

Lương Duy Cường
Nguồn: http://nld.com.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000026509937

TRUY CẬP HÔM NAY: 1199

ĐANG ONLINE: 34