Nhật Bản "bung cửa" cho lao động Việt
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã Hội (LĐ-TB-XH) Đào Ngọc Dung có buổi làm việc với Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản), thăm mô hình viện dưỡng lão kiểu mẫu nơi có thực tập sinh (TTS) Việt Nam đang làm việc, gặp gỡ các chính khách và nghiệp đoàn tiếp nhận TTS tại đây.
Tạo thuận lợi cho thực tập sinh
Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka là đối tác của Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab, thuộc Bộ LĐ-TB-XH) trong việc tuyển chọn, đào tạo và phái cử hộ lý, điều dưỡng Việt Nam sang làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của hiệp hội.
Ông Takeshima Tenmi, Chủ tịch Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka, cho biết trong hơn 3 năm qua, việc hợp tác với Colab rất thuận lợi và nhận được sự quan tâm rất lớn của Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam nên kết quả rất tích cực. TTS Việt Nam được huấn luyện kỹ năng, thành thạo công việc và giao tiếp tốt bằng tiếng Nhật. Trong thời gian tới, hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa với Colab để có càng nhiều TTS đến Osaka làm việc. "Để chuẩn bị cho những đợt tiếp nhận TTS trong thời gian tới, Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka đã hoàn thành việc xây dựng khu ký túc xá với tên gọi Hà Nội để TTS Việt Nam có chỗ ở tốt hơn, yên tâm làm việc. Ngoài ra, hiệp hội còn tạo nhiều sân chơi mới để TTS nhanh chóng làm quen với văn hóa Nhật Bản, từ đó sớm hòa nhập để sinh sống và làm việc hiệu quả" - ông Takeshima Tenmi cho biết.
Thỏa thuận hợp tác giữa Colab và Hiệp hội Chăm sóc y tế Osaka về việc phái cử và tiếp nhận TTS hộ lý, điều dưỡng sang Nhật Bản làm việc bắt đầu thực hiện từ năm 2019. Đây là chương trình phi lợi nhuận, chi phí thấp, chính sách tuyển chọn công bằng, minh bạch, người lao động được đào tạo nghề, ngoại ngữ kỹ lưỡng, có chất lượng trước khi xuất cảnh. Sau 2 năm bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, tới đầu năm 2022, những TTS Việt Nam đầu tiên đã được làm thủ tục xuất cảnh sang làm việc tại Osaka.
Nhiều lao động trẻ Việt Nam chọn Nhật Bản để phát triển sự nghiệp của mình
Việc làm, thu nhập ổn định
Ông Hazaki Kazuhiro, Chủ tịch điều hành Nghiệp đoàn EUC (Nhật Bản), cho biết dù mới chỉ bắt đầu tiếp nhận TTS Việt Nam từ năm 2013 nhưng đến nay, EUC đã tiếp nhận trên 3.500 TTS Việt Nam đến làm việc.
Thời điểm hiện nay, EUC đang trực tiếp quản lý trên 1.500 TTS với điều kiện làm việc tốt, thu nhập ổn định. Đặc biệt, EUC đang xúc tiến chương trình tuyển dụng bộ đội xuất ngũ của Việt Nam, sẵn sàng huấn luyện, đào tạo trong thời gian 4 - 6 tháng để đi làm trong lĩnh vực xây dựng cho Tập đoàn Xây dựng Mukai (Nhật Bản). Đây sẽ là điểm nhấn mới trong hoạt động hợp tác, góp phần tạo việc làm cho lực lượng bộ đội xuất ngũ của Việt Nam thông qua đối tác của EUC tại Việt Nam.
Trước đó, tại buổi làm việc với Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản đề xuất mở rộng thêm các ngành nghề tiếp nhận nhân lực Việt Nam, nhất là đối với các lĩnh vực mà Nhật Bản thiếu hụt như dịch vụ nhà hàng - khách sạn, lái xe buýt… Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tiếp nhận nhân lực chất lượng có kỹ thuật, chuyên môn, kỹ năng và tay nghề cao các ngành nghề công nghiệp, dịch vụ... Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị Nhật Bản xem xét miễn thuế cư trú, thuế thu nhập cho TTS Việt Nam như Nhật Bản đang áp dụng cho một số nước phái cử khác. Phía Nhật Bản khẳng định luôn coi trọng việc tiếp nhận TTS, lao động kỹ năng đặc định và kỹ sư là lĩnh vực ưu tiên quan trọng trong hợp tác với Việt Nam. Những đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH Việt Nam sẽ được báo cáo chính phủ Nhật Bản, đồng thời tiến hành phối hợp với các bộ liên quan sớm xem xét việc mở rộng ngành nghề tiếp nhận TTS Việt Nam, trao đổi với Bộ Tài chính về đề xuất liên quan đến miễn thuế cư trú và thuế thu nhập cho lao động Việt Nam sang làm việc.
Thêm nhiều lựa chọn
Ở góc độ doanh nghiệp dịch vụ, ông Lê Long Sơn, Tổng Giám đốc Esuhai Group (quận Tân Bình, TP HCM), vui mừng cho biết chuyến thăm và làm việc của tư lệnh ngành LĐ-TB-XH đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác về nhân lực giữa các doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam và nghiệp đoàn Nhật Bản trong nhiều ngành nghề khác nhau. Trong thời gian tới, người lao động Việt Nam sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, có mức thu nhập tốt hơn và phải bỏ ra chi phí ít hơn nếu chọn Nhật Bản là điểm đến để làm việc.
Nguồn: nld.com.vn - Giang Nam
Link: https://nld.com.vn/cong-doan/nhat-ban-bung-cua-cho-lao-dong-viet-20220910195421504.htm