Tạo việc làm cho lao động lớn tuổi
Rất nhiều người lao động (NLĐ) đang lâm vào cảnh "tuổi hưu chưa đến, tuổi nghề đã hết". Mất việc khi lớn tuổi khiến nhiều NLĐ rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Đời sống xã hội (Social Life), về vấn đề này.
. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng khó tìm việc của lao động lớn tuổi hiện nay?
PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC
- PGS-TS NGUYỄN ĐỨC LỘC: Thực tế, hiện có một khoảng cách khá lớn giữa tuổi nghề và tuổi hưu. Công nhân khi bước sang tuổi 40 là tuổi nghề đã hết, có nguy cơ bị các doanh nghiệp từ chối tuyển dụng, nhưng tuổi hưu vẫn chưa đến nên tạo ra khoảng trống, khiến họ bơ vơ trong cuộc mưu sinh. Việc này diễn ra phổ biến ở các ngành nghề thâm dụng lao động.
Với đặc điểm nghề nghiệp của công nhân các nhà máy hiện nay, tuổi NLĐ càng tăng thì cơ hội việc làm càng thu hẹp. NLĐ Việt Nam làm việc theo dây chuyền trong các nhà máy chỉ biết một công đoạn, không thể hoàn thành sản phẩm hoàn chỉnh. Chính vì thiếu kỹ năng nghề nghiệp nên họ rất khó để bắt đầu một công việc mới hay khởi nghiệp khi đã lớn tuổi.
. Kinh nghiệm giải quyết vấn đề này ở các nước phát triển như thế nào, thưa ông?
- Đơn cử Hàn Quốc, sau thời gian phát triển công nghiệp, họ có một lực lượng lao động lớn tuổi (trên 40 tuổi) thiếu kỹ năng. Vì vậy, năm 1999, Hàn Quốc thành lập Quỹ Lao động với sự hợp tác của 3 bên, gồm: giới chủ, giới thợ và nhà nước.
Quỹ này có chương trình "Mạnh mẽ trở lại" dành cho người cao tuổi ngay từ khi sắp nghỉ hưu và thôi việc, giúp họ tìm việc làm; tư vấn, hỗ trợ để họ giảm căng thẳng, bất an khi nghỉ việc; thiết kế kế hoạch khi già, giúp họ nhận thức đúng những vấn đề cần phải chuẩn bị, đánh giá chính xác khả năng của mình.
"Mạnh mẽ trở lại" tổ chức đào tạo từ 6-12 giờ, mỗi học viên phải tự xây dựng hoạt động và kế hoạch cho mình. Chương trình còn hỗ trợ về sức khỏe và các quan hệ cần thiết; thực hiện hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tổ chức sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm cho người cao tuổi. Ngoài ra, chương trình còn vận động các doanh nghiệp nhận lao động lớn tuổi tham gia làm việc. Doanh nghiệp được hỗ trợ 5.000 USD nếu nhận một lao động lớn tuổi vào làm việc.
Khi mất việc, lao động lớn tuổi khó tìm được việc làm mới. Vì thế, cần có chính sách đào tạo, an sinh bền vững đối với họ
. Với đặc điểm của Việt Nam, theo ông, hướng đi nào dành cho lao động lớn tuổi?
- Nhà nước cần có chính sách đào tạo lại cho lao động lớn tuổi. Trước khi đào tạo, nên khảo sát nhu cầu thực tế của thị trường lao động để tránh lãng phí.
Không chỉ đào tạo, các nhà hoạch định chính sách cần cơ cấu lại về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ... sao cho tương thích với lao động lớn tuổi. Đặc biệt, mỗi ngành phải tạo ra chuỗi giá trị với các phân đoạn khác nhau, hướng tới việc phát triển các doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm đầu cuối tham gia thị trường. Khi đó, chúng ta có một chuỗi giá trị sản xuất, thương mại trọn vẹn và chắc chắn sẽ có nhiều vị trí việc làm từ thấp đến cao.
NLĐ lớn tuổi có kinh nghiệm sống, có vốn liếng nghề nghiệp; nhiều người có cả kỹ năng quản lý nhưng sức khỏe không còn như người trẻ. Vì thế, họ khó cạnh tranh về mặt năng suất trong sản xuất công nghiệp nhưng có thể tham gia tạo ra giá trị trong các ngành nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...
Với thương mại toàn cầu hiện nay, lao động lớn tuổi cũng có thể tham gia khởi nghiệp hoặc quảng bá sản phẩm của địa phương. Việc xây dựng và quảng bá sản phẩm còn tạo ra việc làm cho lao động với các ngành đi kèm như thiết kế bao bì, mẫu mã, logistics, cung cấp nguyên liệu đầu vào...
Nguồn: nld.com.vn - Hồng Đào
Link: https://nld.com.vn/tao-viec-lam-cho-lao-dong-lon-tuoi-196231216193856078.htm