Triển khai đưa 1.000 lao động Việt đi làm ngành nông nghiệp tại Australia
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện (Ảnh: Nhật Bắc)
Sáng 7/3 (giờ địa phương), tại Thủ đô Canberra, Australia, sau lễ đón và hội đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese đã trao đổi tuyên bố về việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện.
Hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến lễ trao 11 văn kiện hợp tác quan trọng khác trên các lĩnh vực giữa hai nước, trong đó có Kế hoạch thực hiện Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về việc hỗ trợ công dân Việt Nam làm việc trong ngành nông nghiệp Australia, theo thông cáo báo chí phát đi từ Bộ LĐ-TB&XH.
Trước đó, ngày 1/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan và ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam đã ký kết Kế hoạch thực hiện Bản Ghi nhớ giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ công dân Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và Đại sứ Astralia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski ký Bản Ghi nhớ hợp tác hỗ trợ công dân Việt Nam sang Australia làm việc trong ngành nông nghiệp (Ảnh: Tống Giáp)
Văn kiện được công bố sáng ngày 7/3 tại Thủ đô Canberra nhân dịp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Australia.
Theo văn kiện, hai bên thống nhất triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM, dự kiến bắt đầu trong năm 2024.
Tiêu chí để người lao động Việt Nam tham gia Chương trình là có độ tuổi từ 21 tuổi trở lên, đã có chứng chỉ tiếng Anh tối thiểu IELTS 4.0 hoặc tương đương, đủ yêu cầu về sức khoẻ, có kiến thức, kỹ năng nghề phù hợp và/hoặc kinh nghiệm làm việc và được người sử dụng lao động Australia tuyển chọn.
Hai bên thống nhất triển khai kế hoạch hỗ trợ cho 1.000 lao động Việt Nam đi làm việc trong ngành nông nghiệp tại Australia theo Chương trình PALM, dự kiến năm 2024. (Ảnh: Tống Giáp)
Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, việc tuyển dụng lao động được thực hiện thông qua một đơn vị sự nghiệp công lập và tối đa sáu doanh nghiệp Việt Nam. Australia sẽ phối hợp với phía Việt Nam để xác định, chấp thuận và công bố danh sách đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện để tham gia vào Chương trình PALM.
Việc triển khai thực hiện Bản ghi nhớ này là dấu mốc quan trọng của Bộ LĐ-TB&XH trong hợp tác lao động Việt Nam-Australia. Kết quả này thể hiện quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam ngày càng toàn diện, chặt chẽ, đi vào thực chất, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng lao động Australia và nguyện vọng người lao động Việt Nam.
Ngoài văn kiện trên, nhân dịp này còn có 11 văn kiện hợp tác khác được ký kết, trao đổi giữa lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan hai nước.
Tính đến cuối tháng 2, Australia có 631 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, đứng thứ 20/145 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo, dịch vụ lưu trú, y tế, trợ giúp xã hội và nông, lâm, thủy sản. Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia với tổng vốn đầu tư là 552,7 triệu USD, đứng thứ 11/80, chủ yếu trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, bán buôn bán lẻ, chế biến chế tạo, theo số liệu của Bộ Công Thương. |
Nguồn: dansinh.dantri.com.vn - Thanh Nhung