TUYỂN LAO ĐỘNG: Chọn mặt gửi vàng
Tuyển nhiều vị trí nhân sự có tay nghề như nhân viên vận hành máy, bán hàng (sale)… với mức lương 10 - 15 triệu đồng/tháng nhưng Công ty TNHH CNS Amura Precision (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn chưa tuyển đủ người. Dù bộ phận tuyển dụng của công ty đăng tuyển bằng nhiều hình thức nhưng hồ sơ nhận được rất ít.
Tiêu chuẩn ngày càng cao
Bà Nguyễn Hoàng Phượng Linh, Giám đốc nhân sự Công ty TNHH CNS Amura Precision, cho hay công ty muốn tuyển lao động có tay nghề, kỹ thuật để đáp ứng nhanh yêu cầu của doanh nghiệp (DN), nhất là vị trí nhân viên sale phải thông thạo tiếng Anh, vì DN chuyên xuất khẩu.
Thị trường lao động năm 2024 đang sôi động ở nhiều lĩnh vực như: sản xuất, bất động sản công nghiệp, tài chính - ngân hàng, tiêu dùng nhanh, năng lượng, nông nghiệp, logistics, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô… Nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia đang tăng cường tuyển dụng từ lao động phổ thông đến trung cấp, cao cấp.
Bà Thủy Võ, Giám đốc dịch vụ tuyển dụng miền Nam Công ty TNHH Manpower Việt Nam, cho biết năm nay có nhiều vị trí được trọng dụng với thu nhập cao như: giám đốc nhân sự (lương 192 - 500 triệu đồng/tháng); giám đốc sản xuất (168 - 360 triệu đồng/tháng); nhân viên phân tích dữ liệu (50 - 75 triệu đồng/tháng); kỹ sư thiết kế (50 - 100 triệu đồng/tháng)...
Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, Công ty CP In số 7 liên kết với các trường đại học tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập, tặng học bổng
"Hiện nay, nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên cả về chuyên môn lẫn quản lý có ít nhất 10 năm kinh nghiệm, 5 năm làm quản lý. Người lao động (NLĐ) phải có kỹ năng giao tiếp xuất sắc, chỉ số cảm xúc cao, thành thạo trong việc thu hút các bên liên quan hợp tác hiệu quả" - bà Thủy Võ đánh giá. Bên cạnh đó, NLĐ cũng cần có tư duy chiến lược thông minh, kinh nghiệm trong xây dựng và thực hiện các chiến lược tăng trưởng qua các tổ chức, giải quyết vấn đề tốt, tiếng Anh lưu loát...
Ông Đỗ Đức Chí, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt (quận 1, TP HCM), cho rằng Việt Nam đang rất thiếu lao động trình độ cao, điều này một phần bắt nguồn từ khâu đào tạo trước đây. Theo ông, các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi mở nhà máy tại Việt Nam luôn quan tâm đến nguồn nhân lực nhưng lúc tuyển dụng lao động có chất lượng cao thì rất khó.
Vì vậy, họ bắt buộc phải tuyển lao động nước ngoài để đáp ứng nhu cầu sản xuất. "Tôi được biết phần lớn các DN FDI khi tuyển nhân sự mang tính chất trọng yếu, then chốt thì hầu hết đều là người nước ngoài. Đây là thực trạng đáng buồn cho chất lượng lao động của Việt Nam hiện nay" - ông Chí nói.
Liên kết đào tạo
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực tại DN, Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân (quận Bình Tân, TP HCM) thường xuyên đặt mối quan hệ với các trường cao đẳng, đại học nên được hỗ trợ nhiều trong tuyển dụng nhân sự, nhất là với đội ngũ lao động có trình độ, tay nghề.
Theo ông Trần Minh Đức, Trưởng Phòng Thu hút nhân tài Công ty CP Sản xuất Nhựa Duy Tân, đến các trường cao đẳng, đại học để tuyển dụng, DN nhận được kết quả rất khả quan, nhất là những nơi có gắn kết đào tạo với DN. "Riêng các ứng viên được tuyển dụng từ sinh viên (SV) năm 2, năm 3, không chỉ tiệm cận nhu cầu của DN mà còn gắn bó hơn so với lao động do DN tự tuyển dụng" - ông Đức nhìn nhận.
Tương tự, Công ty CP In số 7 (KCN Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM) cũng chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tuyển chọn nguồn là SV. Ông Nguyễn Văn Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP In số 7, thông tin công ty liên kết với Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM để nhận SV vào thực tập và trả lương. Sau khóa thực tập, những em có nhu cầu gắn bó với DN sẽ được giữ lại tiếp tục làm việc. Hằng năm, DN tài trợ học bổng cho SV để nhà trường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công ty.
Còn Công ty TNHH Đạt Vĩnh Tiến (quận Tân Bình, TP HCM) không chỉ săn đón SV đã tốt nghiệp mà còn tiếp nhận SV năm 2, năm 3 đến thực tập, kiến tập thông qua các thỏa thuận đào tạo. Ông Nguyễn Phước Lộc, quản lý nhà máy Công ty TNHH Đạt Vĩnh Tiến, cho biết những địa chỉ đào tạo được DN "chọn mặt gửi vàng" là các trường cao đẳng Lý Tự Trọng, Kỹ thuật Cao Thắng, Công nghệ Thủ Đức, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Long An.
"Mỗi năm, tùy tình hình sản xuất - kinh doanh, DN sẽ nhận 150 - 200 ứng viên đến để học việc, SV tham gia liên kết đào tạo thường có tay nghề vượt trội hơn. SV làm được việc, DN sẵn sàng trả lương, hỗ trợ ăn ở, đi lại. Những SV có thành tích khá, giỏi hoặc thực tập tốt sẽ được DN bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp, không phải mất thời gian thử việc" - ông Lộc nói.
Nhu cầu lao động đã qua đào tạo chiếm tỉ lệ cao
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), trong quý II/2024, thành phố cần khoảng 75.470 - 77.168 chỗ làm việc. Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc FALMI, cho biết nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chỉ chiếm 13,59% tổng nhu cầu nhân lực; nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm đến 86,41%. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 24,9%, cao đẳng 17,63%, trung cấp 25,18%. sơ cấp 18,7%.
Nguồn: nld.com.vn - Hồng Đào
Link: https://nld.com.vn/tuyen-lao-dong-chon-mat-gui-vang-19624032921034276.htm