Nhân lực giai đoạn 2011-2020: Đào tạo theo nhu cầu xã hội


(LĐ) Việt Nam đang thiếu nhiều công nhân kỹ thuật, lao động lành nghề, trong khi lại thừa cử nhân đào tạo ra đi làm trái nghề. Hệ quả của tình trạng này một phần đến từ các trường đua nhau mở ngành được cho là “nóng”, chạy theo thị hiếu của học sinh, chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. 

 

Việt Nam đang thiếu nhiều lao động kỹ thuật có tay nghề.
Việt Nam đang thiếu nhiều lao động kỹ thuật có tay nghề.

Tâm lý đám đông

 

Những năm vừa qua, ngành kinh tế được nhiều phụ huynh, học sinh chọn để thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Trong hàng trăm ngành nghề của lĩnh vực kinh tế, thí sinh chỉ chăm chăm vào các ngành “hot” như Tài chính - Ngân hàng, Kiểm toán, Quản trị kinh doanh (QTKD), Kinh tế đối ngoại... Sự lựa chọn không đồng đều này khiến nhân lực ngành kinh tế mất cân đối. Những ngành có tiếng ra trường thu nhập cao, công việc không vất vả ngày càng thu hút nhiều học sinh, còn những ngành được cho là nặng nhọc thì số lượng người học không tăng, thậm chí còn giảm. Tuy nhiên, năng lực học tập mới là điều quan trọng, bởi nếu học ngành “hot” mà năng lực chuyên môn kém thì cũng khó tìm được việc.

 

Quyết định 121/2007/QĐ-TTg của TTCP phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006 -2020 xác định: Điều chỉnh cơ cấu số lượng sinh viên được đào tạo theo các nhóm ngành, nghề đến năm 2020 đạt tỉ lệ: Khoa học cơ bản 9%, Sư phạm 12%, Công nghệ - kỹ thuật 35%, Nông-lâm-ngư 9%, Y tế 6%, Kinh tế - Luật 20% và các ngành nghề khác 9%. Tuy nhiên, những năm qua số lượng thí sinh đăng ký dự thi đại học, cao đẳng chưa phù hợp với nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực, ngành nghề, vùng miền.

 

Theo số liệu của Bộ GDĐT, năm 2010 số lượng sinh viên vào ngành Kỹ thuật - công nghệ chiếm 31,09% đại học và 47,41% cao đẳng, ngành Kinh tế chiếm 28,96% đại học và 16,96% cao đẳng, ngành Sư phạm chiếm 17,18% đại học và 22,02% cao đẳng; trong khi nhóm ngành Nông-lâm-ngư nghiệp chỉ chiếm 8,69% đại học và 8,49% cao đẳng, ngành Khoa học xã hội chiếm 7,61% đại học và 3,19% cao đẳng. Năm 2011, tuyển mới đại học, cao đẳng chính quy tăng 6,5% so với 2010, nhưng cũng chỉ có 10% chỉ tiêu đào tạo theo địa chỉ và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

 

Đào tạo lệch hướng

 

Thực trạng thừa - thiếu nhân lực ở các ngành như hiện nay có nguyên nhân do các cơ sở đào tạo. Các trường hiện chạy theo thị hiếu của thí sinh để mở ngành “hot” mà chưa quan tâm nhiều đến nhu cầu xã hội. Trong số 448 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng hiện nay thì có đến 360 cơ sở đào tạo ngành QTKD, 298 cơ sở mở ngành kế toán, 297 cơ sở mở ngành CNTT, 193 cơ sở đào tạo ngành tài chính - ngân hàng... Ngược lại, nhiều ngành truyền thống ở các trường đại học lại rơi vào tình trạng thiếu nguồn.

 

Thậm chí, nhiều cơ sở không giữ được ngành đặc thù được xem là thế mạnh của trường vì ít người học. Trường Đại học Nông nghiệp có những ngành năm 2010 tuyển tới 3 nguyện vọng với điểm chuẩn gần như bằng điểm sàn nhưng vẫn không đủ chỉ tiêu. Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, phát triển kinh tế biển, nhưng các ngành trồng trọt, nuôi trồng và khai thác thủy sản có số lượng ngày càng giảm. Việc tuyển sinh không đủ chỉ tiêu ở một số ngành cũng có nguyên nhân từ phía học sinh thiếu thông tin, chưa thận thức đúng về nghề.

 

TS Phạm Văn Sơn - GĐ Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực (Bộ GDĐT) - nhận định: “Việc quy hoạch và mở ngành đào tạo cần phù hợp với nhu cầu thực tế và định hướng phát triển nguồn nhân lực. Tránh tình trạng các trường chạy đua để chiều theo thị hiếu của thí sinh mà cần đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội. Nếu không kịp thời điều chỉnh, cán cân cung - cầu nhân lực ngày càng mất cân đối”.

Sơn Lâm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024948356

TRUY CẬP HÔM NAY: 4670

ĐANG ONLINE: 50