THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV/2016 DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I/2017 TẠI TP. HỒ CHÍ MINH


SỞ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TRUNG TÂM DỰ BÁO NHU CẦU
NHÂN LỰC VÀ THÔNG TIN
THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TP.HCM

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: 342/BC-TTDBNL Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 12 năm 2016

 

PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG QUÝ IV/2016
DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I/2017
TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

I. PHÂN TÍCH THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG

 

Trong Quý IV/2016, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM khảo sát 4.480 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng với 54.086 chỗ làm việc (trong đó 30.000 việc làm thời vụ - bán thời gian); 11.928 người có nhu cầu tìm việc. Tổng hợp, phân tích cơ sở dữ liệu khảo sát diễn biến thị trường lao động thành phố như sau:

 

  1. Tình hình chung về thị trường lao động

 

    Tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục tăng trưởng ổn định, tăng trưởng GRDP của thành phố dự kiến cả năm 2016 ước đạt 8,0% (tính theo GDP thì tăng hơn 1,5 lần mức tăng trưởng GDP bình quân của cả nước), các chỉ số phát triển kinh tế đều đạt được kết quả tích cực. Theo số liệu Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố năm 2016, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có 289.891 doanh nghiệp hoạt động, môi trường đầu tư càng lúc được cải thiện khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh với 54.194 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 496.571 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ. Điều này có sự tác động tích cực đến thị trường lao động thành phố.

 

Biểu đồ 01: Nhu cầu tuyển dụng nhân lực của 04 quý năm 2016

 

  2. Nhu cầu tuyển dụng lao động

 

    Nhu cầu tuyển dụng lao động trong quý IV/2016 có xu hướng tăng 36,85% so với quý III/2016 ở một số nhóm ngành nghề như là Công nghệ thực phẩm, Bưu chính - Viễn thông - Dịch vụ công nghệ thông tin, Điện tử - Cơ điện tử, Công nghệ sinh học, Cơ khí tự động hóa, Dệt may – Giày da, Báo chí – Biên tập viên, Dịch vụ - Phục vụ, Y dược – Chăm sóc sức khỏe, Kế toán – Kiểm toán, Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn, Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng, Kinh doanh – Bán hàng, Hành chính văn phòng,…

 

    Xu hướng tuyển dụng nhiều lao động thời vụ ở các vị trí như: nhân viên đóng gói, bao bì sản phẩm, nhân viên phục vụ tại các hệ thống nhà hàng – các khu vui chơi giải trí, tiếp thị - quảng cáo sản phẩm, giao hàng nhanh, dịch vụ vận chuyển, chăm sóc cây cảnh, giúp việc nhà theo giờ,…

 

    Các nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao trong quý IV/2016: Kinh doanh – Bán hàng (25,66%), Dịch vụ phục vụ (25,66%), Cơ khí - Tự động hoá (6,81%), Công nghệ thông tin (5,10%), Dịch vụ du lịch – Nhà hàng - Khách sạn (4,90%), Điện tử - Cơ điện tử (3,63%), Kế toán – Kiểm toán (2,89%), Dệt may – Giày da (2,88%), Dịch vụ thông tin tư vấn - Chăm sóc khách hàng (2,65%), Công nghệ thực phẩm (2,32%), …

 

Biểu đồ 02: 08 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao trong quý IV/2016

 

    Nhu cầu tuyển dụng lao động tiếp tục chú trọng lao động có trình độ, tay nghề trong quý IV/2016 cụ thể như sau:

 

      + Lao động phổ thông (chiếm 10,76%) giảm 53,61% so với cùng kỳ chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như Dịch vụ phục vụ, Dệt may – Giày da, Bán hàng, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Giúp việc gia đình, Bảo vệ, Giao hàng nhanh, Tạp vụ,...

 

      + Sơ cấp nghề - Công nhân kỹ thuật - Trung cấp (chiếm 62,48%) tăng 29,19% so với cùng kỳ; tập trung ở các nhóm ngành Dệt may – Giày da, Cơ khí – Tự động hóa, Điện – Điện lạnh – Điện công nghiệp, Mộc – Mỹ nghệ - Tiểu thủ công nghiệp, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (thợ xây dựng, thợ phụ,…), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu,…

 

      + Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ Cao đẳng – Đại học – Trên đại học (chiếm 26,76%); chủ yếu ở các nhóm ngành nghề như: Công nghệ thông tin, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Quản lý điều hành, Y dược – Chăm sóc sức khỏe, Marketing – Quan hệ công chúng, Kế toán - Kiểm toán, Kinh doanh, Dịch vụ thông tin tư vấn – Chăm sóc khách hàng, Truyền thông - Quảng cáo - Thiết kế đồ họa, Cơ khí - Tự động hoá, Kế toán kiểm toán, Báo chí – Biên tập viên,…

 

Biểu đồ 03: Nhu cầu tuyển dụng theo trình độ nghề trong quý IV/2016

 

    Về kinh nghiệm: Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm làm việc chiếm 32,30%, cụ thể như sau:

 

      + 01 năm kinh nghiệm chiếm 23,44% tổng nhu cầu tuyển dụng; các nhóm ngành: Nhân viên kinh doanh – bán hàng, nhân viên kế toán tổng hợp, Công nghệ thông tin, nhân viên pha chế, Dịch vụ phục vụ (Chăm sóc trẻ sơ sinh tại nhà, giúp việc gia đình, nhân viên bảo vệ…), Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn (nhân viên phụ bếp, lễ tân, hướng dẫn viên du lịch, phục vụ buồng, phục vụ phòng,…).

 

      + Nhu cầu tuyển dụng lao động: 02 năm đến 05 năm kinh nghiệm chiếm 8,53% và trên 05 năm kinh nghiệm chiếm 0,70% tổng nhu cầu tuyển dụng, tập trung các nhóm ngành: Cơ khí – Tự động hóa, Điện – Điện lạnh – Điện tử, Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng, Công nghệ thông tin, Kinh doanh – Bán hàng, Kế toán – Kiểm toán, Nhân viên phát triển thị trường, nhân viên Marketing, Nhân viên quản lý dự án, Bếp trưởng, …

 

Kinh nghiệm

Tỷ lệ (%)

Không có kinh nghiệm

67,70

1 Năm

23,07

2 - 5 Năm

8,53

Trên 5 năm

0,70

Biểu 04: Thống kê nhu cầu tuyển dụng nhân lực theo kinh nghiệm quý IV/2016

 

    Nhu cầu tuyển dụng lao động không yêu cầu kinh nghiệm chiếm 67,70% tăng gấp 02 lần so với quý III/2016, cụ thể ở các vị trí như: Bán hàng, nhân viên tạp vụ, giữ xe, phụ xe, phụ hồ, nhân viên đóng gói sản phẩm, nhân viên giao hàng nhanh, nhân viên giữ đồ - giám sát siêu thị,…

 

Biểu đồ 05: Nhu cầu tuyển dụng theo mức lương trong quý IV/2016

 

  3. Nhu cầu tìm việc làm

 

    Nhu cầu tìm việc quý IV/2016, chủ yếu ở các nhóm ngành như: Bảo hiểm, Bưu chính – Viễn thông – Dịch vụ công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Dệt may – Giày da, Giáo dục – Đào tạo – Thư viện, Hành chính văn phòng, Nhân sự, Kế toán – Kiểm toán, Luật – Pháp lý, …

 

    Các nhóm ngành có nhu cầu tìm việc cao tập trung chủ yếu là Kế toán – Kiểm toán (17,51%), Kinh doanh – Bán hàng (9,56%), Hành chính – Văn phòng (8,50%), Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu (6,29%), Kiến trúc – Kỹ thuật công trình xây dựng (5,18%), Công nghệ thông tin (3,82%), Cơ khí – Tự động hóa (3,62%), Dệt may – Giày da (3,32%), Marketing – Quan hệ công chúng (3,27%),…

 

    Về trình độ lao động: Nhu cầu tìm việc tập trung cao ở trình độ Đại học (45,07%), Trên đại học (0,75%), Cao đẳng (19,67%), Trung cấp (9,21%), Lao động chưa qua đào tạo – Sơ cấp nghề - CNKT (25,30%).

 

Biểu đồ 06: 08 nhóm ngành có nhu cầu tìm việc làm cao trong quý IV/2016

 

    Về kinh nghiệm: 78,43% nhu cầu tìm việc chủ yếu ở lao động có kinh nghiệm trong quý IV/2016, tập trung ở các nhóm ngành: Kế toán – Kiểm toán, Kinh doanh tài sản – Bất động sản, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu…

 

Kinh nghiệm

Tỷ lệ (%)

Không có kinh nghiệm

21,57

1 Năm

18,10

2 - 5 Năm

32,16

Trên 5 năm

28,16

Biểu 07: Thống kê nhu cầu tìm việc làm theo kinh nghiệm quý IV/2016

 

    Về mức lương: 35,80% người tìm việc yêu cầu mức lương từ 5 triệu đến 8 triệu; 20,70% có yêu cầu từ 8 triệu đến 10 triệu; từ 10 triệu trở lên chiếm 20,61%; mức lương dưới 3 triệu chủ chiếm 3,35% chủ yếu ở các nhu cầu tìm việc bán thời gian mang tính chất thời vụ như: bán hàng, nhân viên may thời vụ, nhân viên bảo vệ, tạp vụ,…

 

  4. Đánh giá chung

 

    Một số nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động có xu hướng tăng ở quý IV/2016 như sau:

 

      + Kinh doanh – Bán hàng: Nhu cầu tuyển dụng chiếm 25,66% tổng nhu cầu tuyển dụng, tăng 33,99% so với quý III/2016 nhằm đảm bảo nguồn nhân lực phục vụ cho thị trường bán lẻ dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán năm 2017. Xu hướng nhân lực chất lượng cao thời kỳ hội nhập thể hiện rõ nét đối với nhóm ngành kinh doanh - bán hàng, trong đó trình độ Đại học – Trên đại học chiếm 6,52%; Cao đẳng – Trung cấp chiếm 70,59%; CNKT lành nghề - Sơ cấp chiếm 16,56%; Lao động chưa qua đào tạo 6,34%. Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm chiếm 63,72%, trong đó 01 năm kinh nghiệm chiếm 45,93%; 02 năm đến 05 năm kinh nghiệm chiếm 16,16%; Trên 05 năm kinh nghiệm chiếm 1,63%; và không yêu cầu kinh nghiệm chiếm 36,28%.

 

      + Dịch vụ du lịch – nhà hàng – khách sạn: chiếm 25,66% tổng nhu cầu tuyển dụng, so với quý III/2016 tăng gấp 1,44 lần; nhu cầu tuyển dụng ở các vị trí như Lễ tân, nhân viên phục vụ tiệc cưới, phụ bếp, phục vụ quầy bar, nhân viên pha chế, kiểm soát vé,… chủ yếu là lao động phổ thông, công việc mang tính chất thời vụ. Đối với các vị trí tuyển dụng yêu cầu lao động có trình độ Trên đại học –  Đại học – Cao đẳng chiếm 27,82% tổng nhu cầu tuyển dụng của ngành ở các vị trí như: Quản lý nhà hàng – khách sạn, hướng dẫn viên du lịch, Quản lý Tour, nhân viên buồng phòng, Bếp chính,…yêu cầu các kỹ năng ngoại ngữ (Anh, Hàn, Nhật…) và yêu cầu ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc (chiếm 53,13% tổng nhu cầu).

 

Biểu đồ 08: Nhu cầu nhân lực theo trình độ nghề ngành Dịch vụ du lịch – Nhà hàng – Khách sạn quý IV/2016

 

      +  Cơ khí – Tự động hóa: Nhu cầu tuyển dụng chiếm 6,81% (tăng 64,86%) so với quý III/2016; tập trung chủ yếu Kỹ sư cơ khí, kỹ sư Tự Động hóa, nhân viên chế tạo khuôn mẫu, nhân viên bảo trì, nhân viên đứng máy, nhân viên lắp ráp – sửa chữa – vận hành máy,... Các doanh nghiệp yêu cầu lao động có trình độ Sơ cấp nghề - CNKT chiếm tỷ lệ (19,77%), Trung cấp – Cao đẳng – Đại học (75,83%) và lao động phổ thông (4,40%).

 

Kinh nghiệm

Tỷ lệ (%)

Không có kinh nghiệm

46,32

1 Năm

26,47

2 - 5 Năm

25,74

Trên 5 năm

1,47

 

Biểu 09: Nhu cầu nhân lực theo kinh nghiệm của

ngành Cơ khí – Tự động hóaquý IV/2016

 

      + Công nghệ thông tin: chiếm 5,10% nhu cầu tuyển dụng trong quý IV/2016 và 82,66% nhu cầu tuyển dụng nhân lực có kinh nghiệm làm việc như là Nhân viên triển khai phần mềm hệ thống, Lập trình viên, Phân tích hệ thống, quản trị website, quản trị mạng, kiểm định phần mềm, chuyên viên SEO, Chuyên viên phân tích nghiệp vụ phần mềm và truyền thông (ITC BA), Kỹ sư lập trình cầu nối, Nhân viên cài đặt ứng dụng, Kỹ thuật viên sữa chữa máy tính – điện thoại di động, ….. Đối với ngành này luôn đòi hỏi người lao động phải cập nhật thường xuyên những kiến thức, xu hướng phát triển công nghệ, nhu cầu của thị trường, tự trang bị kiến thức ngoài những kiến thức nền tảng tại trường. Kỹ năng ngoại ngữ (Nhật, Anh, Hoa…) là yếu tố cần và đủ để đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp.

 

      + Dịch vụ phục vụ: chiếm 24,49% tổng nhu cầu tuyển dụng. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực gia tăng ở các vị trí công việc mang tính chất thời vụ như: nhân viên giao nhận, đóng gói hàng hóa, nhân viên giữ xe, soát vé, gói quà tại các hệ thống siêu thị bán lẻ, các khu vui chơi, giao hàng nhanh,... Nhu cầu tuyển dụng tăng gấp 1,81 lần so với quý III/2016. 

 

Nhu cầu tuyển dụng lao động có kinh nghiệm chiếm 38,02% trong đó ít nhất 01 năm kinh nghiệm chiếm 35,14%, 2 năm đến 5 năm kinh nghiệm chiếm 2,88%; và lao động không có kinh nghiệm chiếm 61,98%.

 

II. DỰ BÁO NHU CẦU NHÂN LỰC QUÝ I/2017

 

  Căn cứ vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố 2017 - 2020, căn cứ vào thông tin nhu cầu tuyển dụng năm 2017 của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Dự kiến quý I/2017 có khoảng 69.000 chỗ làm việc trống (Tháng 01/2017: 20.000 chỗ làm việc, tháng 02/2017: 20.000 chỗ làm việc và tháng 3/2017: 29.000 chỗ làm việc). Trong đó về trình độ lao động phổ thông chiếm 28%, Sơ cấp nghề - CNKT lành nghề chiếm 17%, Trung cấp 20%, Cao Đẳng – Đại học – Trên Đại học 35%.

 

Biểu đồ 10: Xu hướng cơ cấu nhu cầu nhân lực theo trình độ nghề quý I/2017

 

   Nhu cầu nhân lực trong các ngành nghề Marketing, bán hàng, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, Dịch vụ du lịch - Nhà hàng - Khách sạn (ở các vị trí lễ tân, điều hành tour, hướng dẫn viên, nhân viên phục vụ khu vui chơi – giải trí,…); Tiếp thị sản phẩm, Quảng cáo, Đóng gói hàng thực phẩm và hàng dân dụng, nghiên cứu thị trường, Người dẫn chương trình, Xây dựng, Sửa chữa điện, Cơ khí, Dịch vụ giúp việc nhà, Dịch vụ chăm sóc cây cảnh, Giao hàng nhanh, nhân viên bảo vệ,… sẽ tăng cao trong tháng 01/2017 và tháng 02/2017. Tháng 03/2017, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề có xu hướng tăng cho các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như Dệt may – Giày da, Chế biến thực phẩm, Vận tải – Kho bãi – Xuất nhập khẩu, Nhựa – Bao bì, Mộc – Mỹ nghệ, Xây dựng,…

 

Biểu đồ 11: Xu hướng cơ cấu nhu cầu nhân lực theo ngành nghề quý I/2017

 

  Người lao động có nhu cầu ổn định công việc và đa số các doanh nghiệp thực hiện chính sách lương, thưởng và phúc lợi tốt nên mức độ thiếu hụt lao động sau tết không cao dưới 3%, mức độ dịch chuyển lao động cũng ở mức 15%, thể hiện sự gắn kết Cung – Cầu thị trường lao động thành phố, đặc biệt sự phát triển ổn định và chăm lo chính sách lao động của các doanh nghiệp.

 

Nơi nhận:              
- Giám đốc và các Phó giám đốc Sở;    
- Phòng Việc làm;
- Phòng Dạy nghề;
- Phòng Lao động - Tiền Công – Tiền Lương;
- Phòng Pháp chế;
- Văn phòng Sở;
- Văn phòng Xã;
- Ban Giám đốc và các phòng thuộc Trung tâm;
- Lưu.

KT. GIÁM ĐỐC

PHÓ GIÁM ĐỐC

 

 

 

 


Trần Anh Tuấn

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024942886

TRUY CẬP HÔM NAY: 205

ĐANG ONLINE: 50