Đội ngũ trí thức là nguồn tài nguyên quan trọng của TPHCM


Ngày 28-5, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã trân trọng gặp gỡ hơn 120 đại diện trí thức Thành phố.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân gặp gỡ các đại biểu trí thức TP.  Ảnh: VIỆT DŨNG

 

Nhằm tiếp tục khẳng định vai trò và những đóng góp quan trọng của đội ngũ trí thức trong quá trình phát triển của Thành phố thời gian qua, đồng thời mong muốn trực tiếp lắng nghe ý kiến các đại biểu hiến kế phát triển kinh tế - xã hội Thành phố trong thời gian tới, ngày 28-5, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM đã gặp gỡ hơn 120 đại diện trí thức Thành phố.

 

Đây là những đại biểu cho giới trí thức TP thuộc Liên hiệp các các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, Hội đồng khoa học TPHCM hiện đang tham gia hoạt động trong các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện trên địa bàn TP, các nhà khoa học trong nước, các nhà khoa học là kiều bào, các chuyên gia kỹ thuật công nghệ có nhiều đóng góp trong phát triển khoa học công nghệ của TP, các doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp đi đầu trong đổi mới công nghệ, các giảng viên, các thầy thuốc tiêu biểu...

 

Cùng dự có ông Phan Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM.

 

Bài toán giả định chuyển đổi đất nông nghiệp

 

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân mong các đại biểu trí thức đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển của TP. Theo ông, hiện nay TPHCM có 1,2 triệu người có trình độ đại học, cao đẳng trở lên, đây là nguồn tài nguyên quan trọng của TP.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM gặp gỡ

đại biểu trí thức TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

 

Thông tin về tình hình TPHCM, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TPHCM là thành phố có nền kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp ngân sách lớn nhất nước. Năm 2016, TPHCM có tỷ trọng GDP chiếm 22,7% cả nước, thu ngân sách chiếm 27,8% cả nước. Tuy nhiên, nếu so với năm 1986 thì tỷ trọng GDP của TPHCM so với cả nước hầu như không tăng, và thu ngân sách so với cả nước giảm xuống. Ngoài ra, là TP dịch vụ - công nghiệp, song cơ cấu sử dụng đất tại TPHCM đang bất hợp lý. Tỷ trọng giá trị gia tăng ngành dịch vụ - công nghiệp năm 2015 chiếm 99,1% nhưng tỷ trọng diện tích đất sử dụng cho công nghiệp, dịch vụ chỉ có 6,8%. Bí thư Thành ủy đặt ra bài toán giả định: nếu chuyển đổi 39.400 ha đất nông nghiệp (1/3 diện tích đất nông nghiệp hiện nay) sang phát triển công nghiệp, dịch vụ thì thuế thu nhập tăng thêm từ sản xuất công nghiệp, dịch vụ ở phần đất này sẽ là 54,7% GDP TP, bằng 62 lần giá trị gia tăng của toàn bộ sản xuất nông nghiệp hiện nay với 118.052 ha đất. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, TP phải tính toán lại quỹ đất cho các mục đích sử dụng sao cho phù hợp, phát huy cao nhất tiềm năng thế mạnh của TP.

 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu trong buổi làm việc với đại biểu

trí thức TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

 

Vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân từ chỗ có tỷ trọng thấp nhất, từ 12 năm nay đã trở thành nguồn vốn lớn nhất trong tổng đầu tư hàng năm của TP và từ hơn 10 năm nay đã chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu kinh tế TP. Vì vậy, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cần phải phát triển kinh tế tư nhân nhiều hơn. 

 

Các đại biểu trí thức đóng góp ý kiến trong buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy TPHCM

Nguyễn Thiện Nhân. ẢNH: VIỆT DŨNG

 

Đãi ngộ cho công chức chưa tương xứng

 

Một vấn đề khác cần quan tâm tìm giải pháp được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nêu ra là dân số TP tăng liên tục gấp 3 lần sau 40 năm (từ 3 triệu người vào năm 1975 lên gần 9 triệu người hiện nay) nhưng diện tích TP không thay đổi dẫn đến cường độ lao động, cường độ chất thải gấp 13 – 15 lần bình quân cả nước. Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu con số cụ thể: đến năm 2016, diện tích đất của TP chỉ chiếm 0,6% cả nước nhưng dân số chiếm 9,1% cả nước, lao động chiếm 7,9% cả nước. Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân còn đặt vấn đề, mong các đại biểu góp ý kiến: “Năng suất lao động trong sản xuất - kinh doanh của TP cao gấp 2,9 lần, trong dịch vụ quản lý Nhà nước gấp 2 lần bình quân cả nước, thu nhập của người dân cũng gấp 2,5 lần bình quân cả nước lương của công chức tại TPHCM lại được trả như nhau. Sự bất hợp lý này dẫn đến cán bộ, công chức TP thiếu động lực làm việc tốt hơn”.

 

Thay mặt các nhà khoa học, GS-TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Hội đồng Khoa học TPHCM, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM báo cáo về tình hình hoạt động và những đóng góp của giới trí thức TP. Ông nêu một số khó khăn: Liên hiệp có 48 hội thành viên nhưng hoạt động của các hội chưa đều; có những văn bản pháp quy chưa rõ ràng, cụ thể; các quy định tài chính lạc hậu; thông tin từ TP đến các nhà khoa học chưa nhiều nên khó tham gia đóng góp ý kiến từ đầu.

 

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao mong muốn Hội đồng khoa học được tham gia vào tổng kết các chương trình, đề án thí điểm của TP nhằm nâng lên lý luận đóng góp cho Trung ương. Ngoài các cuộc gặp gỡ giới trí thức chung, lãnh đạo TP cần có những cuộc gặp gỡ riêng theo từng nhóm đối tượng, từng chuyên đề để giới khoa học có thể thông tin thêm với lãnh đạo TP.

 

Cần có chiến lược xây dựng TP thông minh

 

Góp ý về tiến hành cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và xây dựng TPHCM trở thành TP thông minh, PGS.TS Thoại Nam (Trường Đại học Bách khoa TPHCM) nêu một số thách thức TPHCM đang đối mặt và đề nghị cần có sự chuẩn bị tốt. Theo ông, xây dựng TP thông minh không chỉ là TP đáng sống mà còn là TP đáng để đến làm việc. Chương trình Smart City (TP thông minh) sẽ không thành công nếu không có sự tham gia của đội ngũ trí thức. “Smart City là cơ hội mở ra khả năng cạnh tranh của TP trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là chúng ta mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng Smart City, vậy các công ty trong nước hoặc con người ở đây làm chủ công nghệ như thế nào? Chúng ta hiện đang thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp với các trường đại học trong xây dựng Smart City, dù hiện nay xây dựng Smart City chỉ mới trên dự thảo, đang còn bàn nếu chúng ta không làm thì sẽ thua trắng trên sân nhà”.

 

Cũng theo ông Nam, một điểm khó của cách mạng công nghệ 4.0 và xây dựng Smart City là sự kết hợp giữa nhiều ngành với nhau. TPHCM thiếu một số chương trình kết hợp với các trường đại học nên không có sự tham gia của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học. “Tôi tha thiết có chương trình kết hợp chiến lược đầu tư đúng đắn, có trọng điểm, đưa đội ngũ trí thức vào cuộc”, ông nói.

 

TPHCM thiếu chương trình trọng điểm với các đại học hàng đầu đang đặt tại TP. Tha thiết có các chương trình kết hợp mang tính chiến lược để xây dựng TPHCM thông minh và co6nh nghiệp lần thứ 4. Cần có chính sách về khoa học công nghệ đúng đắn và có đầu tư trọng điểm. Vốn lớn nhưng không xài được. Giai đoạn sắp tới, nên có chiến lược đầu tư thực sự đúng đắn, hiệu quả, thu hút giới trí thức.

 

Trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu mong đội ngũ trí thức thông qua nhiều cơ chế tiếp tục góp ý cho TP. “Nếu các anh chị có sức, TP sẽ không để các anh chị thất nghiệp”, ông khẳng định. 

 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu các bài toán lớn của TP cần sự đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức TP:

 

 - Phát huy nguồn lực con người: Chính quyền phải trong sạch, vững mạnh; lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá công việc và đạo đức cán bộ, công chức, đảng viên. Phát huy tối đa đội ngũ trí thức, năng lực nghiên cứu và sáng tạo ở TP.

 

 - Phát huy tài nguyên đất: Rà soát lại quy hoạch phát triển và quy hoạch sử dụng đất của TP; quy hoạch đất cho giao thông theo chuẩn mực quốc tế và quy hoạch đất cho cây xanh để tạo môi trường sống xanh, sạch cho 30 năm tới; cơ cấu lại sản phẩm nông nghiệp theo hướng hiệu quả kinh tế cao.

 

 - Phát huy nguồn lực của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.

 

- Liên kết, hợp tác để phát triển. Phát huy vai trò 9 trung tâm của TP: trung tâm sản xuất giống cây, con cho vùng; trung tâm nghiên cứu khoa học – công nghệ, thương mại hóa sản phẩm công nghệ và thiết kế sản phẩm công nghiệp của cả nước; trung tâm phát triển nguồn nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo của vùng; trung tâm tài chính – ngân hàng của cả nước và khu vực châu Á; trung tâm y tế trình độ cao của khu vực…

 

- TPHCM phải trở thành đô thị thông minh, nơi đáng sống, nơi đáng đến.

 

- Hoàn thiện cơ chế, thể chế của TPHCM phát triển cùng cả nước.

 

(Theo SGGP online)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024942928

TRUY CẬP HÔM NAY: 247

ĐANG ONLINE: 36