Nâng tầm xuất khẩu lao động


Sửa đổi luật, mở rộng thị trường, tăng cường quản lý đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua

 

Hội thảo, vinh danh các doanh nghiệp tiêu biểu làm tốt công tác đưa người lao động ra nước ngoài

 

Đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho NLĐ, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế. Chủ trương đó được cụ thể hóa bằng Nghị định 370-HĐBT của Chính phủ ban hành vào tháng 11-1991. Từ đó đến nay, hàng triệu lượt NLĐ Việt Nam đã đến nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để làm việc, góp phần quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến với thế giới.

 

Tăng trưởng mạnh


Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), hiện có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 30 nhóm ngành nghề và thời hạn hợp đồng khác nhau. Trong điều kiện bình thường, mỗi năm Việt Nam đưa trên 140.000 lao động ra nước ngoài làm việc.

 

Năm 2018 và 2019, Việt Nam đưa lần lượt 142.860 lao động và 147.387 lao động ra nước ngoài làm việc. Trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, các thị trường tiếp nhận buộc phải đóng cửa biên giới trong trong 2 năm 2020 và 2021, Việt Nam vẫn đưa hơn 123.000 lao động ra nước ngoài làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn.

 

Chú trọng tuyển chọn, đào tạo để nâng cao hình ảnh người lao động tại nước ngoài
Chú trọng tuyển chọn, đào tạo để nâng cao hình ảnh người lao động tại nước ngoài

 

Năm 2022, gần 143.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Chỉ 11 tháng của năm 2023, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã là 146.156 lao động, đạt 121,8% kế hoạch (chỉ tiêu năm 2023 đưa 110.000 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài). Hiện lao động Việt Nam chủ yếu đến làm việc tại các thị trường đã ký bản ghi nhớ (MOU) như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hungary, Romania, Ba Lan, Ả Rập Saudi, CHLB Đức...

 

Biểu đồ: ANH THANH
Biểu đồ: ANH THANH

 

Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, một số thị trường tiềm năng, chất lượng cao như Cộng hòa Czech, Úc, New Zealand, Canada, Hy Lạp, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE)... cũng đang được các cơ quan liên quan tích cực xúc tiến, đàm phán để đưa NLĐ đến học tập và làm việc. Những thị trường này hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

 

Đáng chú ý trong nhiều năm qua, khu vực Đông Bắc Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là thị trường trọng điểm về XKLĐ của Việt Nam. Thị trường này tiếp nhận trên 90% số lao động ra nước ngoài làm việc và giữ liên tục trong nhiều năm liền. Năm 2022, trong tổng số người đi làm việc ở nước ngoài là 142.779, có đến 135.861 lao động chọn khu vực Đông Bắc Á, chiếm 95%. Trong 146.156 lao động ra nước ngoài làm việc trong 11 tháng vừa qua cũng có 136.953 NLĐ (tỉ lệ 93%) chọn khu vực trọng điểm này.

 

Với số lượng lao động Việt Nam bổ sung hằng năm lớn như trên, NLĐ Việt Nam đang giữ vai trò quan trọng trong lực lượng lao động nước ngoài tại khu vực Đông Bắc Á. Tại Nhật Bản hiện có khoảng 380.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc, chiếm 18% tổng số lao động người nước ngoài tại nước này.

 

Tại Hàn Quốc đang có hơn 36.000 lao động Việt Nam làm việc theo chương trình EPS, chiếm hơn 10% lực lượng lao động nước ngoài tại nước này. Trong khi đó, tại Đài Loan (Trung Quốc), tính đến cuối tháng 10-2023, số lượng lao động Việt Nam đang làm việc trên 260.000 người, chiếm 35% tổng số lao động nước ngoài tại vùng lãnh thổ này.

 

Chương trình trọng điểm


Ông Đặng Sĩ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng những thành quả về hoạt động XKLĐ là nhờ Việt Nam biết nắm bắt và vận dụng có hiệu quả các chương trình hợp tác lao động với các nước có nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam. Các chương trình này được các nước xây dựng không chỉ giải quyết việc làm cho NLĐ mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam.

 

Cụ thể, chương trình thực tập sinh (TTS) kỹ năng của Chính phủ Nhật Bản với mong muốn đào tạo nguồn lao động để phát triển nền kinh tế và công nghiệp thông qua việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, kiến thức… về các lĩnh vực, ngành nghề của Nhật Bản cho những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nhật Bản chọn 76 ngành nghề dành cho TTS nước ngoài thuộc các nhóm ngành cơ bản như: xây dựng, điện tử, cơ khí, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, nhà hàng - khách sạn...

 

Tham gia chương trình TTS kỹ năng, NLĐ có cơ hội làm việc tại Nhật với mức lương cao, được tiếp cận với những công nghệ, khoa học kỹ thuật tiên tiến để có thể áp dụng những kiến thức đó vào cuộc sống và phát triển sự nghiệp, trở thành những lao động có chất lượng cao cho đất nước. Hiện NLĐ sang Nhật Bản làm việc không chỉ có chương trình TTS kỹ năng mà còn đi theo diện kỹ sư, chăm sóc viên (Kaigo), chương trình kỹ năng đặc định 1 và 2.

 

Ngoài ra, có 2 chương trình phi lợi nhuận dành cho NLĐ tại Nhật Bản là chương trình đưa TTS Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo thỏa thuận giữa Bộ LĐ-TB-XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan); chương trình tiếp nhận ứng viên điều dưỡng, chăm sóc dựa trên Hiệp định Đối tác Kinh tế Nhật Bản - Việt Nam (EPA).

 

Ông Phạm Minh Đức, Trưởng Văn phòng EPS Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết chương trình EPS được hàng vạn lao động Việt Nam lựa chọn từ khi chương trình này bắt đầu có hiệu lực năm 2003. Theo quy định của chương trình, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi không tuyển dụng được lao động trong nước sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài với số lượng nhất định trong một số ngành nghề liên quan đến sản xuất, chế tạo, xây dựng, nông - ngư nghiệp...

 

Chương trình lao động nông nghiệp thời vụ cũng đang được các địa phương Hàn Quốc ký kết trực tiếp với các địa phương Việt Nam mở ra cơ hội việc làm ngắn hạn khoảng 10 tháng với thu nhập cao cho lao động nhàn rỗi trong nước. "Với chương trình EPS, ngành sản xuất chế tạo được trên 80% NLĐ Việt Nam lựa chọn, còn lại là các ngành ngư nghiệp, nông nghiệp và xây dựng. Tiềm năng cho NLĐ Việt Nam tại Hàn Quốc còn khá lớn bởi nước này đang thiếu nhân lực trầm trọng" - ông Đức cho hay.

 

Với thị trường Đài Loan (Trung Quốc), nhiều năm nay hàng trăm ngàn NLĐ Việt Nam chọn vùng lãnh thổ này bởi yêu cầu trình độ lao động đơn giản, chi phí thấp và nhiều ngành nghề. Những chương trình đòi hỏi cao hơn về trình độ của NLĐ như các chương trình: điều dưỡng viên đi học tập và làm việc tại CHLB Đức, "Hand in Hand for International Talents" đưa NLĐ qua đào tạo sang Đức làm việc… cũng đang tăng cường triển khai.

 

Vinh danh doanh nghiệp xuất khẩu lao động tiêu biểu
Sáng 27-12, Báo Người Lao Động sẽ tổ chức Hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước" và "Vinh danh doanh nghiệp XKLĐ tiêu biểu năm 2023". Sự kiện có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Gia Liêm, lãnh đạo một số Sở LĐ-TB-XH và các doanh nghiệp XKLĐ tiêu biểu.

 

Nguồn: nld.com.vn  - Giang Nam

Link: https://nld.com.vn/nang-tam-xuat-khau-lao-dong-196231222193812238.htm

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024954770

TRUY CẬP HÔM NAY: 11098

ĐANG ONLINE: 86