Đổi mới giáo dục nghề nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0


Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo khoa học "Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với giáo dục nghề nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh" do Cụm thi đua số 1 - các trường cao đẳng tổ chức ngày 25/5. 

Thạc sĩ Lâm Văn Quản, Hiệu trường Trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là đỉnh cao mới của sự phát triển công nghệ, có tác động đến toàn bộ đời sống con người cả về công việc, giải trí và kết nối thông tin. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều lợi ích lâu dài về hiệu quả và năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đem lại không ít thách thức, đặc biệt là với thị trường lao động Việt Nam. 

Theo Thạc sĩ Lâm Văn Quản, với phương pháp, tư duy đào tạo hiện nay, giáo dục nghề nghiệp mới chỉ thiên về lý thuyết mà chưa chú trọng đến lao động thực hành của người học. Vì vậy, những kiến thức, kỹ năng học sinh, sinh viên học được chưa đáp ứng yêu cầu công việc theo nền tảng kinh tế của cuộc cách mạng công nghiệp 3.0 và không thể ứng dụng vào làm việc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng quan điểm, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, điểm yếu của lao động Việt Nam hiện nay, kể cả lao động đã qua đào tạo nghề là kỹ năng, ngoại ngữ và tác phong làm việc công nghiệp. Trong khi đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm giảm nhu cầu lao động ở các nhóm ngành thâm dụng lao động và tạo ra nhiều việc làm ở các ngành nghề đòi hỏi trình độ tư duy, sáng tạo cao như công nghệ thông tin, thiết kế, hóa học...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng trường Đại học trực tuyến FUNiX, cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra nhiều thách thức nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để con người đổi mới tư duy và phương pháp đào tạo, học tập thông qua kết nối các thiết bị thông minh, các lớp học ảo, lớp học trực tuyến… Trong bối cảnh khoa học, công nghệ thay đổi từng giây thì việc giáo dục nghề nghiệp cũng phải đạt những chuẩn mực chung nhất định. Bên cạnh những môn học mang tính đặc thù của từng ngành thì tất cả lao động cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng căn bản như làm chủ các thiết bị công nghệ và mạng internet; kỹ năng giao tiếp, giải quyết các tình huống thực tế trong lao động, sản xuất. 

Theo các chuyên gia, để đáp ứng được nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng bắt buộc phải đổi mới từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường, để tạo ra những lao động có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Việc thay đổi phải bắt đầu từ tư duy của những người trong cuộc, sẵn sàng tiếp nhận những thành tựu khoa học công nghệ; xây dựng mô hình đào tạo mở, tạo cơ hội tương tác nhiều hơn cho cả người dạy và người học; đồng thời gia tăng sự kết nối, chia sẻ thông tin, lợi ích cũng như trách nhiệm giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động./.

Xuân Anh/TTXVN

 

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024942053

TRUY CẬP HÔM NAY: 7450

ĐANG ONLINE: 33