Đừng quay lưng với ngành sư phạm


Đó là nhận định của các chuyên gia tại chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần 10 năm 2017 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Tỉnh đoàn Tây Ninh tổ chức cuối tuần qua tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha và THPT Tây Ninh. Chương trình có sự đồnghành của ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF).

 

ThS. tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) khuyên các em học sinh

cần bình tĩnh thuyết phục cha mẹ nếu chẳng may bị ngăn cản trong việc lựa chọn nghề

 

Bình tĩnh thuyết phục cha mẹ

 

Tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha, trước băn khoăn của nhiều học sinh về việc các em lựa chọn ngành nghề nhưng không nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, ThS. tâm lý Chế Dạ Thảo (giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho rằng chuyện cha mẹ xen vào việc lựa chọn ngành nghề của con là điều thường xuyên xảy ra vì quan tâm, lo lắng cho con. Trong khi đó, các em thường có xu hướng tiêu cực khi không nhận được sự đồng tình. “Tâm lý phổ biến của các em khi rơi vào tình huống này là thường “hờn dỗi cả thế giới”, bỏ ăn, bỏ ngủ khiến phụ huynh lo lắng. Đây là điều không nên vì những hành động này chỉ chứng tỏ các em chưa thực sự trưởng thành. Thay vì hành xử như vậy, các em cần vạch ra từng bước cụ thể để thuyết phục cha mẹ. Đầu tiên, các em phải tìm hiểu thật kỹ thông tin về ngành học của mình: học cái gì? học ở đâu? cần những điều kiện gì? ra trường làm ở đâu?... để khi cha mẹ hỏi mình sẽ trả lời rành mạch về điều đó. Sau nữa là các em nên áp dụng chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, không nên nóng vội và càng không gây “chiến tranh” vì điều đó sẽ đẩy cha mẹ ra xa, gây khó khăn cho việc thuyết phục. Khi chia sẻ với cha mẹ, các em cần đưa ra các minh chứng cụ thể, hoặc nhờ người thân, người quen làm việc trong lĩnh vực đó lên tiếng giúp mình. Bình tĩnh thuyết phục mỗi ngày một chút, chắc chắn cha mẹ sẽ có sự thay đổi”, ThS. Chế Dạ Thảo phân tích.

 

Nghề giáo cũng chịu nhiều thách thức

 

Giải tỏa lo lắng của nhiều học sinh về việc ngành sư phạm đang có nguy cơ thừa giáo viên, TS. Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM) nhìn nhận việc thừa giáo viên ở một số tỉnh/thành hiện nay là có thật và Bộ GD-ĐT sẽ có sự sắp xếp, phân bổ lại ngành đào tạo ở một số trường trong thời gian tới. Đối với tỉnh Tây Ninh, trong công tác đào tạo nhân lực trong giai đoạn sắp tới vẫn yêu cầu đào tạo ngành sư phạm. “Sư phạm là ngành học xã hội rất cần nên các em đừng quay lưng với nó. Hiện một số trường đào tạo ngành sư phạm có chính sách tuyển thẳng đối với học sinh các trường chuyên, trường năng khiếu. Tuy nhiên, các em cần xác định xem mình có thật sự đam mê với nghề giáo hay không vì đây là nghề đòi hỏi sự hy sinh và không thể làm giàu. Giáo viên trong thời buổi hiện nay cũng phải đương đầu với những thách thức, phải tự học và trau dồi kinh nghiệm không ngừng. Đó là chưa kể những việc không tên thầm lặng phía sau bục giảng. Việc các em học giỏi là một điều tốt, nhưng chưa phải là tất cả. Một giáo viên giỏi ngoài việc làm tốt về chuyên môn còn phải là người yêu thương và truyền cảm hứng cho học trò, giúp học trò tự tin vào khả năng của chính mình trong bất cứ hoàn cảnh nào”, TS. Lê Thị Thanh Mai cho biết.

 

An toàn thông tin là chuyên ngành của CNTT

 

Em Vũ Ngọc Cẩn (học lớp 12A7 Trường THPT Tây Ninh) hỏi: “Ngành CNTT và An toàn thông tin khác gì nhau? Em nên chọn học ngành nào để có được một công việc tốt?”. ThS. Nguyễn Xuân Luyện (Phó Ban tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM) cho biết an toàn thông tin trước đây là một chuyên ngành của ngành CNTT, sau này được nhiều trường tách thành một ngành riêng do những tính chất đào tạo riêng biệt. Đây là ngành học cung cấp kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực an toàn mạng máy tính và truyền thông, đáp ứng yêu cầu bảo mật của công nghệ mạng và truyền thông hiện đại. “Theo học ngành an ninh mạng, các em sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng về CNTT; khả năng thiết kế, cài đặt và quản trị hệ thống mạng… Ngoài ra, các em còn được chú trọng phát triển các kỹ năng chuyên môn như kỹ năng giải mã, xây dựng các thuật toán, phần mềm và thực hành phòng thủ hoặc tấn công tin tặc (hacker) trong môi trường số, đảm bảo thông tin được lưu trữ, truyền tải an toàn. Trong khi đó, nếu học CNTT, các em sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên như mạng máy tính, hệ thống thông tin, lập trình, phần mềm… Đi sâu vào các chuyên ngành, các em có cơ hội tiếp cận những kiến thức liên quan đến nghiên cứu phát triển, gia công hay ứng dụng hệ thống phần mềm; kiến thức về thiết kế, xây dựng, cài đặt, vận hành và bảo trì các thành phần phần cứng, phần mềm của hệ thống máy tính và các hệ thống thiết bị dựa trên máy tính… Hiện hai ngành này đều có nhu cầu về nhân lực, nhất là trước sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Vì vậy, các em nên căn cứ vào tính chất của từng ngành, đặc điểm của bản thân để chọn ngành học phù hợp”, ThS. Nguyễn Xuân Luyện khuyên.

 

Bài, ảnh: Ngọc Anh

Nguồn: http://www.giaoduc.edu.vn

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024945225

TRUY CẬP HÔM NAY: 1536

ĐANG ONLINE: 50