TP.HCM "đói khát" nguồn nhân lực chất lượng cao từ nay đến cuối năm 2018


TĐO - Từ nay đến cuối năm, TP.HCM cần tuyển 148.000 nhân sự chất lượng cao làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (FALMI) cho Báo SGGP biết, từ nay đến cuối năm 2018, TP.HCM có 148.000 chỗ làm việc cần tuyển người lao động.

 


TP.HCM cần tuyển nhiều lao động chất lượng cao, có tay nghề. Ảnh: SGGP.


Nhu cầu tuyển dụng lao động có nghề chuyên môn tăng cao

Đối tượng nguồn nhân lực được TP.HCM tập trung thu hút là lao động chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn, nhằm đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, các chính sách khởi nghiệp, kinh doanh đổi mới sáng tạo…

Nhu cầu nhân lực tăng cao ở một số nhóm ngành công nghệ kỹ thuật. Ngành công nghệ thông tin cần tuyển dụng nhân sự ở các lĩnh vực phân tích dữ liệu (big data), bảo mật mạng, lập trình ứng dụng di động, lập trình game, lập trình thiết kế game 3D, lập trình thiết kế hiệu ứng hình ảnh và hoạt hình 3D. Ngành cơ khí hóa tự động cho các kĩ sư vận hành máy, sử dụng hệ thống tự động trong dây chuyền khép kín, vận hành máy móc tự động…

Riêng quý III, Thành phố có 78.000 chỗ làm việc trống cung cấp cho người lao động. Quý IV cần tuyển 70.000 lao động. Đây là thông tin được Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM Trần Thị Anh Đào cho biết sáng ngày 6/7.


Các ngành chuyên môn cao, công nghệ thông tin cần lượng lớn nhân lực. Ảnh: VGP.


Theo bà Trần Thị Anh Đào, trong thời gian tới, thị trường lao động sẽ chú trọng phát triển theo xu hướng tuyển dụng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn với yêu cầu về chất lượng, năng suất lao động. Việc tuyển dụng lao động có trình độ nhằm đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động, các chính sách khởi nghiệp, kinh doanh đổi mới sáng tạo…Nhu cầu nhân lực sẽ tăng cao ở một số nhóm ngành công nghệ kỹ thuật như: Công nghệ thông tin; Cơ khí hóa tự động.

Các ngành nghề tuyển nhiều là: Cơ khí, kiến trúc-kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ thông tin, vận tải-kho bãi-xuất nhập khẩu, công nghệ ô tô-xe máy, quản lý điều hành, kế toán kiểm toán, hóa-hóa chất, dịch vụ-phục vụ…

Thị trường lao động "thừa thầy, thiếu thợ"

Về tình hình thị trường lao động từ đầu năm đến nay, ông Trần Anh Tuấn đánh giá, nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng 24,41% so với cùng kỳ năm 2017, trong khi đó, tổng nhu cầu tìm việc của người lao động tăng 52%.

Nguyên nhân là do lực lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng đã bổ sung cho nguồn nhân lực thành phố, đồng thời góp phần gia tăng sự cạnh tranh giữa người lao động có kinh nghiệm làm việc và sinh viên mới ra trường.

Điểm đáng chú ý, thống kê từ gần 69.000 người có nhu cầu tìm việc làm cho thấy, 82% trong tổng số người tìm việc ở TP.HCM có trình độ cao đẳng, đại học. Điều đó cho thấy, tình hình việc làm của cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học vẫn gặp nhiều gian nan trong bối cảnh thị trường lao động “thừa thầy, thiếu thợ”.

Trái ngược với sự khó khăn về việc làm của người học đại học, đa số sinh viên, học sinh tốt nghiệp các trường nghề ở TPHCM lại có việc làm ngay, lương cao. Thậm chí, nhiều trường, nhiều ngành, 100% người học nghề ra trường có việc làm.

N.H (t/h)

TỔNG LƯỢT TRUY CẬP: 000000024941964

TRUY CẬP HÔM NAY: 7360

ĐANG ONLINE: 35